COVID-19: Việt Nam chuyển trọng tâm từ công bố lịch trình bệnh nhân sang tìm cách mua vaccine

RFA
2021.05.25
COVID-19: Việt Nam chuyển trọng tâm từ công bố lịch trình bệnh nhân sang tìm cách mua vaccine Hình minh hoạ. Nhân viên y tế đo thân nhiệt người dân tại một điểm bỏ phiếu để phòng chống COVID-19 ở Hà Nội hôm 23/5/2021
AFP

Dịch bệnh COVID-19 đợt thứ tư đang lây lan nhanh ở Việt Nam từ ngày 27/4 đến nay khiến Chính phủ Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận trong việc đối phó với dịch bệnh, từ truy vết, công bố lịch trình bệnh nhân, thành tìm cách mua vaccine để tiêm chủng cho toàn dân.

Trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) hôm 25/5 dẫn lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chiến lược của Việt Nam để phòng chống dịch COVID-19 là mọi người dân đều được tiếp cận vaccine phòng COVID-19. Ông Long cho biết Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, với chương trình COVAX toàn cầu của WHO để mua vaccine.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam cho biết, đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Bộ Y tế, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, là phải có được 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 75% dân số.

Ngoài việc đảm bảo đủ liều vaccine cho năm 2021, Việt Nam giờ đây cũng phải tính đến vaccine cho năm 2022. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam kêu gọi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng góp trong việc mua vaccine.

Vào sáng ngày 25/5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã tiếp nhận hỗ trợ 125 tỷ đồng, 1 triệu USD và 1 triệu liều vaccine từ các tập đoàn, doanh nghiệp cho việc mua và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hôm 24/5 đã có văn bản gửi Bộ trưởng Y tế, đề nghị không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ TT&TT, việc cung cấp thông tin về lịch trình của bệnh nhân COVID-19 cho báo chí, dù đã góp phần giúp việc dập dịch thời gian qua, nhưng đồng thời cũng xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.