Đắk Lắk: 26 nghi phạm bị bắt giữ - những gì chúng ta biết cho đến nay
2023.06.12
Tính đến 11 giờ 30 sáng ngày 12/6/2023, lực lượng Công an bắt giữ thêm bốn nghi phạm liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân 02 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nâng số người bị bắt giữ lên đến 26 người, thu giữ nhiều dao, súng.
Ban đầu, thông tin từ hai tờ báo nhà nước đăng tải và rút bài sau đó cho biết, có bốn công an và hai lãnh đạo xã tử vong trong vụ việc xảy ra vào rạng sáng 11/6/2023, cùng đó là một tài xế lái xe bán tải bị giết hại.
Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Bộ Công an cho hay, chỉ có bốn công an chết trong vụ việc và được Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định truy thăng cấp bậc hàm, hỗ trợ tiền mai táng. Ngoài ra, hai viên công an khác cũng bị thương trong vụ tấn công.
Trong bài viết "Lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk thăm, viếng các nạn nhân trong vụ việc xảy ra tại Đắk Lắk" cũng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, nêu cụ thể hơn cho biết có tổng cộng 9 người thiệt mạng trong vụ việc, trong đó có ba người dân, hai cán bộ xã và bốn công an xã, cùng với hai công an xã bị trọng thương.
Sự việc dùng súng tấn công vũ trang hai trụ sở ủy ban xã là một sự việc hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nơi súng đạn được kiểm soát chặt chẽ, người dân bình thường không được sở hữu súng.
Nguyên do của hành động của nhóm người có vũ trang chưa được nêu rõ, tuy nhiên xung đột sắc tộc, đất đai và đàn áp của chính quyền đối với người bản địa ở Tây Nguyên không phải là vấn đề mới xảy ra gần đây.
Nhiều vụ bắt giữ những thầy truyền đạo tin lành, các nhà hoạt động tôn giáo ôn hòa diễn ra trong thời gian gần đây với các điều luật như 117 "tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Một số cuộc biểu tình của người dân liên quan đến việc phản đối các dự án xả thải gây ô nhiễm môi trường ở địa phương, hay cưỡng chế đất đai đều kết thúc bằng việc đưa Cảnh sát cơ động vào và bắt giữ những người bị cho là đứng đầu có liên quan.
Hàng trăm người Thượng ở Tây Nguyên hiện nay phải bỏ nước ra đi vì các lý do bị đàn áp tôn giáo và đang xin tị nạn chính trị ở Thái Lan, chờ để được định cư một nước thứ ba.
Tuy rằng, Bộ Công an chưa đưa ra thông tin chính thức về nguyên do vụ việc tuy nhiên các trang Facebook thân chính phủ đều chĩa mũi dùi về các tổ chức Đề Ga hay FULRO của người đồng bào.