Ông Hà Văn Thành ‘bị đánh trong trại giam’ sau khi bị Hoa Kỳ trục xuất về Việt Nam

RFA
2019.11.19
havanthanh Ông Hà Văn Thành
Courtesy of ANTV

Ông Hà Văn Thành, người bị Hoa Kỳ trục xuất về Việt Nam hồi tháng 10 vừa qua, hiện đang bị giam giữ và bị hành hung trong nhà tù.

Vợ nhà hoạt động Hà Văn Thành đưa cáo buộc này vào ngày 19 tháng 11 khi kể với Đài Á Châu Tự Do về tình trạng của chồng mình sau khi ông này bị Hoa Kỳ trục xuất về Việt Nam vào trung tuần tháng 10/2019.

Anh ấy về thì trước đó tôi không nhận được tin tức gì. Anh ấy về ngày 21/10, nhưng đến ngày 28, 29 thì tôi mới nhận được giấy của công an. Ngày 28 hay 29, công an gửi cho tôi giấy triệu tập, giấy thông báo tạm giam. Họ gọi tôi vào, thu giấy và dọa tôi rằng ‘kể từ giờ trở đi, nếu thấy bất cứ giấy tờ gì hoặc chị chụp giấy tờ chi đưa cho cha Thục (Linh mục JB Nguyễn Đình Thục) mà đăng lên mạng, tôi mà nghe được, xem được thì tôi sẽ không bao giờ cho chị gặp chồng và sẽ làm thêm nặng tội cho chồng chị’. Họ bảo rứa thì tôi cũng lo sợ nên run, không biết làm sao. Đàn bà gặp công an thì hoảng. Họ dọa thì sợ, cũng không dám đưa lên truyền thông và liên lạc với cha.

Trong cuộc nói chuyện với RFA hôm 19 tháng 11, Bà Hồ Thị Thắm, vợ ông Hà Văn Thành, cũng cho biết rằng có một người gọi cho bà và tự giới thiệu là người bị giam cùng ông Hà Văn Thành và nói rằng ông Thành “gầy lắm", “mặt và tay bị bầm dập".

Kênh truyền hình ANTV mới đây đăng một video clip cho thấy nhà hoạt động Hà Văn Thành nhận tội “Buôn người" trong khi bị công an thẩm cung.

Đề cập về ông Hà Văn Thành nhận tội “Buôn người" trong clip của ANTV, bà Thắm nói:

Tôi có xem qua nhưng tôi cũng thắc mắc không biết thế nào mà anh chồng tôi lại khai như vậy. Tôi thấy cái lời khai đó không được bình thuờng. Đáng lẽ anh ấy phải nói như thế nào thì anh lấy lại nhận hết tội cho mình.

Kể về thời điểm ông Thành đi vượt biên, bà Thắm cho hay lúc đó bà “chuẩn bị sinh con, ở nhà sợ quá, nên nói chồng về nhà đợi hai mẹ con sinh xong rồi đưa mẹ con đi”. Tuy vậy, do công an “ngăn cấm làm giấy tờ làm hộ chiếu" nên chồng bà phải tìm đường đi một mình.

Được biết hiện tại, hai Luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng đã nhận trợ giúp pháp lý cho ông Hà Văn Thành.

Cùng ngày, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục nói với RFA:

Họ triệu tập chị Thắm lên, họ làm việc, đe dọa gì đó làm chị khiếp từ bữa đó đến bây giờ. Tôi bảo chị đưa tin cho cộng đồng biết nhưng chị bảo chị sợ hãi, không dám do cũng chưa được gặp anh Thành. Chị ấy có gọi điện hỏi, tôi nói với chị ấy rằng bây giờ tốt nhất cứ nhờ luật sư vào cuộc giúp. Còn bây giờ mình để mặc vậy thì họ muốn ghép tội gì thì ghép. Họ sẽ tìm mọi cách để trả thù. Trong lúc mọi người đang quan tâm vụ đưa người trái phép sang bên Anh thì họ sẽ lợi dụng chuyện này để đánh anh Thành vừa là để báo công với cấp trên, vừa để có cái gì đó để trả lời dư luận. Họ sẽ đạt được nhiều mục đích trong vụ này.

Về cáo buộc “Buôn người" nhắm vào ông Hà Văn Thành, Linh mục JB Nguyễn Đình Thục nói:

Tôi có hỏi vì sao họ làm như vậy. Chị Thắm bảo là lúc anh Thành đấu tranh chống Formosa, anh bị bao vây, uy hiếp rất nguy hiểm. Hầu như nhà lúc nào cũng bị canh, cả một đoàn an ninh, ai vào ai ra đều bị kiểm soát hết. Anh Thành rất sợ và đã trốn đi vượt biên qua New Zealand, liên hệ một đường dây mà vợ cũng không rõ. Khi đi vượt biên, vì anh ấy giỏi tiếng Anh, nên đường dây có nhờ anh liên hệ với mấy người bên  New Zealand. Sự việc nghe qua chị Thắm là như vậy.

Hôm 19/11, phóng viên RFA gọi điện cho Công an tỉnh Nghệ An nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.

Theo Dân biểu Alan Lowenthal Chính quyền Hoa Kỳ đã thờ ơ và thiếu quan tâm đối với trường hợp ông Hà văn Thành và có một phần trách nhiệm lớn trong việc trục xuất ông Thành về Việt Nam, nơi mà ông Thành có nhiều nguy cơ bị Chính quyền quốc gia của ông làm khó.

Vào hôm 21/10/19, ông Hà Văn Thành đã gọi điện thoại lần cuối với ông Lê Thanh Tùng, một người mà ông Thành thường xuyên liên lạc trong suốt thời gian hơn một năm ở các trại giam di trú tại Hoa Kỳ, cho biết rằng ông tuyệt thực phản đối việc trại giam ép ông về nước.

Nhà hoạt động Hà Văn Thành đã đến biên giới Mỹ hồi hạ tuần tháng 7 năm 2018 để xin quy chế tị nạn, với lý do ông bị chính quyền địa phương ở Việt Nam sách nhiễu và có nguy cơ bị cầm tù như Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong là những nhà hoạt động cùng với ông Thành trong việc phản đối nhà máy Formosa gây ra thảm họa môi trường khu vực biển miền Trung từ tháng 4 năm 2016.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.