Gia đình nghi ngờ việc thầy giáo Đặng Đăng Phước từ chối luật sư
Ông Đặng Đăng Phước bị bắt hồi đầu tháng 9 với cáo buộc “Phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” nhưng vài ngày sau cơ quan công an thông báo giảng viên âm nhạc này từ chối luật sư, gia đình nghi ngờ về việc ông không cần sự trợ giúp pháp lý.
Sáu ngày sau khi ông bị bắt, ngày 14/9, Cơ quan An ninh Điều tra của Công an tỉnh Đắk Lắk đưa cho gia đình một văn bản Thông báo nêu rõ:
“Quá trình hỏi cung bị can, Cơ quan An ninh Điều tra đã giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can theo Điều 60 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cho Đặng Đăng Phước và Đặng Đăng Phước không yêu cầu nhờ người bào chữa mà tự bản thân bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình điều tra.”
Bà Lê Thị Hà, vợ của ông Đặng Đăng Phước, không tin việc chồng mình từ chối luật sư. Bà nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Trước khi bị bắt chồng tôi có dặn tôi mời luật sư cho anh nhưng sáu ngày sau khi anh bị bắt bên an ninh điều tra đưa ra một văn bản từ chối luật sư và nói rằng anh đổi ý…
Tôi có hỏi thăm nhiều gia đình tù nhân chính trị khác và được biết nhà nào cũng nhận được một thông báo từ chối luật sư nhưng khi trao đổi với thân nhân thì sự thật không phải như thế.”
Ông Phước, 59 tuổi, là giảng viên âm nhạc của trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Ông thường xuyên lên tiếng trên tài khoản Facebook cá nhân về nhiều vấn đề của đất nước, trong đó có vấn nạn giáo dục, vi phạm nhân quyền, tiêu cực của quan chức và bất công trong xã hội.
Công an tỉnh Đắk Lắk thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phước trong thời hạn bốn tháng, đồng thời khám nhà ông vào sáng ngày 8/9 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Theo luật hiện hành, ông Phước đối mặt với án tù từ bảy năm đến 12 năm, thậm chí 20 năm nếu bị kết tội.
Dẫn tài liệu điều tra từ Công an tỉnh Đắk Lắk, truyền thông Nhà nước đưa tin rằng, “từ năm 2019 đến nay, Đặng Đăng Phước đã lợi dụng mạng xã hội Facebook thường xuyên biên soạn, đăng tải nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Gia đình ông Phước mời luật sư Nguyễn Văn Miếng, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh tham gia bào chữa cho thầy giáo dạy nhạc. Ông Miếng cho biết trong giai đoạn điều tra án liên quan đến an ninh quốc gia, Viện trưởng Viện Kiểm sát quyết định cho phép luật sư tham gia hay không để bảo đảm bí mật điều tra (Điều 74 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Ông Miếng hôm 12/9 hoàn tất thủ tục đăng ký bào chữa cho ông Phước tại trụ sở Công an tỉnh Đắk Lắk.
Bà Hà cho biết cho đến nay, cơ quan công an vẫn chưa đưa cho bà xem lệnh bắt và lệnh khám nhà.
“Khi bắt anh Phước, họ đọc lệnh bắt và khám nhà nhưng không đưa lệnh đó cho tôi xem cũng như không trao lệnh bắt hay khám nhà cho tôi.”
Theo thông lệ trong các vụ án chính trị ở Việt Nam, các bị can thường không được gặp gia đình và luật sư trong thời gian điều tra kéo dài ít nhất bốn tháng, thân nhân còn bị cấm cản gặp các tù nhân lương tâm cho đến khi ra tòa.
Bà Hà mới chỉ được gửi mền và một số quần áo ấm cho chồng mình. Điều tra viên Hứa Quốc Thuận, người phụ trách vụ án của ông Phước nói bà không được tiếp tế thức ăn cho chồng, dù là chuẩn bị từ nhà hay mua tại cửa hàng của Trại tạm giam Công an tỉnh.
Phóng viên có liên lạc với số điện thoại của Cơ quan An ninh Điều tra- Công an tỉnh Đắk Lắk mà điều tra viên Hứa Quốc Thuận cung cấp cho gia đình ông Phước nhưng không có ai nghe máy.