Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ: Hải quân Hoa Kỳ liên tục thách thức các đòi hỏi chủ quyền của các nước ở Biển Đông

2021.03.18
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ: Hải quân Hoa Kỳ liên tục thách thức các đòi hỏi chủ quyền của các nước ở Biển Đông Ảnh minh họa. Thủy thủ Hoa Kỳ trên boong đáp của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Russell hôm 21/11/2019, đang tiến hành huấn luyện định kỳ ở Đông Thái Bình Dương.
Courtesy of DVIDS

Trong năm 2020, Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động thuộc chương trình tự do hàng hải (FONOP), thách thức yêu sách về chủ quyền của 19 quốc gia ở khu vực Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam.

Đây là thông tin trong báo cáo thường niên năm 2020 được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trình với Quốc hội Mỹ về các hoạt động tự do hàng hải trong năm tài chính 2020.

Báo cáo thường niên đề ngày 27 tháng 1 năm 2020 được công bố trên trang mạng của Bộ Quốc phòng. Theo báo cáo, trong năm tài chính 2020, tức từ đầu tháng 10 năm 2019 đến cuối tháng 9 năm 2020, Hoa Kỳ đã thách thức yêu sách hàng hải của 19 quốc gia, trong đó một số yêu sách đã được Hoa Kỳ thách thức nhiều lần.  

Hoa Kỳ thách thức ít nhất 7 luật và yêu sách của Trung Quốc bị cho là quá đáng. Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ đã thách thức ít nhất một lần Luật Biển Việt Nam, Luật số 18/2012 / QH13, quy định việc các tàu chiến nước ngoài cần thông báo trước khi vào vùng biển của Việt Nam.

Chương trình Tự do Hàng hải (FONOPS) chính thức ra đời từ năm 1979 để duy trì lợi ích, khẳng định quyền của Hoa Kỳ trên khắp thế giới chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Luật quốc tế này công nhận quyền và tự do của tất cả các quốc gia trong việc sử dụng biển theo truyền thống. Từ năm 2015, Hải quân Hoa Kỳ đã gia tăng việc thực hiện FONOP tại khu vực Biển Đông nhằm thách thức đòi hỏi về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.

Ngoài Trung Quốc, một số nước khác cũng có đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. 

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết trong năm tài chính 2020, một số đối tác cùng chí hướng đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Công ước Luật Biển như một khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên đại dương và biển phải được thực hiện. Các quốc gia này cũng đã cổ võ những hoạt động FONOPS của Hoa Kỳ cảnh giác hòa bình đối với các yêu sách hàng hải quá đáng.

Trong các tháng đầu năm 2020, các đồng minh của Mỹ là Pháp, Đức và Anh cũng đã điều tàu chiến đến Biển Đông. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Liên Hiệp Châu Âu
18/03/2021 22:54

Trung quốc khi cưỡng chiếm được hòn đảo nào đó hoặc khu vực nào đó, Trung quốc không dừng lại ở đó đâu mà Trung quốc sẽ bắt đầu ra luật tại khu vực đã cưỡng chiếm được của nước khác và băt đầu vẽ ra ranh giới từ nơi cưỡng chiếm mở rộng ra và từ nơi mở rộng ra này, Trung quốc tiếp tục ban hành luật mới tiếp tục mở rộng cho đến cuối cùng cả thế giới này là của Trung quốc.