Thiếu kỹ sư có thể ảnh hưởng đến tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam

2023.09.01
Thiếu kỹ sư có thể ảnh hưởng đến tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam Tấm wafer trong nhà máy sản xuất chip bán dẫn ở Đài Loan (minh hoạ)
Reuters

Việc thiếu kỹ sư triền miên có thể sẽ ảnh hưởng đến tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và kế hoạch mà Mỹ muốn thực hiện để đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong các trung tâm về chip bán dẫn ở khu vực nhằm đối trọng với các rủi ro về nguồn cung liên quan đến Trung Quốc. Hãng tin Reuters ngày 31/8 có bài viết của tác giả Francesco Guarascio nhận định như vừa nêu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào ngày 10/9 tới và việc sản xuất chip bán dẫn được coi là một trong các trọng tâm trong việc phát triển quan hệ hai nước nhân chuyến đi này. Giới chức Hoa Kỳ cho biết, trong chuyến thăm tới Việt Nam lần này, Tổng thống Mỹ sẽ đề nghị giúp Việt Nam phát triển việc sản xuất chip.

Chiến lược chuyển sản xuất đến những nước thân thiện với Mỹ (Friendshoring) được cho là yếu tố quan trọng trong việc Washington muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược trong năm nay vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.

Việc Mỹ giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp này cũng giúp mang đến hàng tỷ đô la đầu tư cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, phân tích và các giới chức trong ngành công nghiệp này, Việt Nam cần các chuyên gia được đào tạo có tay nghề để giúp phát triển ngành công nghiệp.

Reuter dẫn lời ông Vũ Tú Thành - người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN - cho biết “con số các kỹ sư phần cứng có sẵn ở Việt Nam hiện thấp hơn số lượng cần thiết cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp hàng tỷ đô la này”.

Cũng theo ông Thành, Việt Nam hiện có khoảng từ 5.000 đến 6.000 kỹ sư được đào tạo cho ngành chip bán dẫn trong khi nhu cầu cần có là 20.000 kỹ sư trong năm năm tới và 50.000 kỹ sư trong một thập niên tới.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng không có đủ các kỹ sư phần mềm để cung ứng cho ngành công nghiệp này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.