Tăng giá điện, EVN vẫn báo lỗ hơn 28.000 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm
2023.09.20
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến lỗ hơn 28.700 tỷ đồng trong tám tháng đầu năm 2023, mặc dù giá điện bán lẻ đã tăng ở mức 3% hồi đầu tháng 5.
Đó là thông tin trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu và được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 20/9.
Ủy ban Quản lý vốn trong báo cáo cho biết với số lỗ trong tám tháng đầu năm của EVN dự kiến là 28.700 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ năm 2022 là 26.500 tỷ đồng, tính chung số lỗ từ năm 2022 đến đầu tháng 9/2023, công ty mẹ EVN đã lỗ tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Hôm đầu tháng 5/2023, EVN đã tăng điện bán lẻ 3%, với số tăng này EVN có thêm 8.000 tỷ đồng. Tuy vậy, đại diện EVN cho truyền thông hay với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu từ việc tăng giá điện chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023.
Hôm 1/9/2023, Bộ Công thương đề xuất trong công thức tính giá điện bán lẻ bình quân, sẽ có quy định về việc đưa các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện. Các khoản chênh lệch tỷ giá trong hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện sẽ nằm trong "chi phí khác". Đề xuất trên không những nhận được phản ứng từ các chuyên gia kinh tế, năng lượng mà còn gây bức xúc trong người dân.
Trong một bài viết liên quan đến đề xuất trên của Bộ Công thương, một người dân sống tại TPHCM không muốn nêu tên, nói với RFA rằng việc giá điện “cõng” lỗ EVN là hết sức nghịch lý. Người này nói: “Riêng cá nhân tôi là người sử dụng điện cũng thấy rất nghịch lý. Tại sao Việt Nam đầu tư các nơi lời thì họ ăn chia với nhau, còn lỗ thì bắt dân chịu, rất là phi lý. Nhưng bây giờ họ có áp giá điện như thế nào thì người dân cũng phải chịu, chứ không có cách gì khác, chẳng lẽ bây giờ không xài điện nữa, đâu có được, đó là nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hiện nay. EVN là doanh nghiệp độc quyền Nhà nước, rất được ưu tiên, họ được ban phát nhiều đặc ân, cho nên họ áp đặt cái gì thì cuối cùng người dân cũng phải chịu, mặc dù rất bức xúc.”
Nội dung trong báo cáo của Ủy ban của Quốc hội hôm 20/9 ghi rõ cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường. Giá mặt hàng này cũng không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung - cầu điện, chưa được hình thành theo từng khu vực địa lý.
Cụ thể, khung pháp lý cho việc tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) vẫn chưa hoàn thiện. Và các nhà máy điện tái tạo được xây dựng theo tư duy "giá FIT" (Feed-in Tarriff – tức biểu giá điện hỗ trợ) nhiều rủi ro khi tham gia chào giá trên thị trường điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, chính sách về giá điện còn bất cập.
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc điều chỉnh giá điện có thể gây tác động lớn tới kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân nên cần được đặc biệt chú trọng.
Do đó, việc điều hành giá điện trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá điện. Bảo đảm điều hành minh bạch, không gây ảnh hưởng lớn, đột ngột và tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.