Từ năm 2013 đến 2020, kinh phí thực hiện Đề án 1019 cho người khuyết tật tại Việt Nam từ dự toán chi thường xuyên hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng, trong đó chi cho các Bộ, ngành trung ương 86,24 tỷ đồng, địa phương 214 tỷ đồng.
Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) và triển khai giai đoạn 2020-2030, diễn ra tại Ninh Bình hôm 23 tháng 10.
Theo Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, tính đến nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Việt Nam hiện nay có gần 30.000 trẻ chiếm khoảng 2% dân số trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Lê Tấn Dũng tại hội nghị rằng, chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của người khuyết tật. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành.
Hiện nay, hầu hết các nước đều ban hành các chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Những ưu đãi đối với doanh nghiệp thường được thể hiện dưới các hình thức như: Miễn hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng, vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật; ưu đãi tiền thuê mặt bằng…