Facebooker ‘Giáo sư hớt tóc' bị bắt vì phát livestream ‘gây hoang mang trong nhân dân'

RFA
2019.11.06
nghiemnguyen111.jpg Facebooker Nguyễn Văn Nghiêm
Courtesy of Facebook, RFA edit

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, tức Facebooker Nghiêm Nguyễn với biệt danh ‘Giáo sư hớt tóc’, ở tỉnh Hòa Bình bị bắt tạm giam 4 tháng và khởi tố vào ngày 5 tháng 11.

Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Nghiêm ghi rõ ông: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”.

Bản thân ông Nguyễn Văn Nghiêm được cộng đồng mạng biết đến qua những video phát trực tiếp trên kênh YouTube, với các chủ đề được ghi nhận gần đây là: “Dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục xâm lược bãi Tư Chính của Việt Nam” (phát hôm 4/11/2019), “Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh liệu có vào lò (hôm 4/11/2019), “Bài học sâu sắc là bài học nào?” (hôm 4/11/2019), “Tướng hèn đông như quân Nguyên, 3/11/2019), “Xin đừng gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là ''cóc", 3/11/2019)...”

Hiện tất cả các clip của ông Nghiêm đã bị xóa khỏi YouTube và tài khoản Facebook, YouTube của ông này được cho là “công an đang kiểm soát".

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 6/11, bà Phạm Thị Xuân, vợ ông Nguyễn Văn Nghiêm, nói:

“Hôm qua [5/11] tôi đi chợ về thì có một phụ nữ mặc thường phục ở trước cửa nói tôi là làm tóc hộ, tôi từ chối. Cuối cùng họ làm đủ mọi cách thuyết phục tôi làm được. Tôi cũng đồng ý cho họ làm tóc nhưng rồi tôi từ chối, nói chồng tôi đang livestream ồn nên không cho làm. Tôi mở cửa, xách đồ ở xe vào trong bếp, thấy công an rất nhiều ập vào, chồng tôi đang livestream trên máy tính. Một số giữ tay chồng tôi, kéo ra chỗ cái phản mà anh ấy vừa làm vừa ngủ. Một số vào máy tính thu thập dữ liệu trên máy mà chồng tôi đang livestream. Họ giữ lại và thu thập, làm ra rồi bắt chồng tôi ký. Họ nói anh nhà tôi nguy hiểm nên lệnh bắt giữ là 120 ngày.”

Bà Xuân giải thích thêm về công việc của chồng:

Anh nhà tôi đọc trên mạng xã hội, các báo thấy thông tin gì không tốt cho xã hội thì anh nhà tôi đưa lên và down về máy và in ra. Công an giữ lại các tờ giấy ấy. Các clip mà anh livestream đưa YouTube thì họ cũng tải về, in vào đĩa, bắt chồng tôi ký. Họ lệnh khám xét nhà, thu giữ toàn bộ máy móc, đồ dùng liên quan đến công việc của chồng tôi làm.”

Riêng tôi thấy anh nói những cái đấy không có hại gì cho xã hội và đất nước cả. Vì anh chỉ có phản biện rằng những quan chức tham nhũng, những cán bộ mà ăn cơm dân nuôi, mà làm không được việc thì anh tôi bày tỏ quan điểm, ý kiến phản biện làm cho nó tốt lên cho xã hội. Nói chung các clip mà anh ấy làm có cái tôi nghe cũng bình thường, nhưng có cái tôi nghe anh phản biện thì hơi gắt một tí. Tôi lại khuyên anh nói nhẹ nhàng thôi, đừng gắt quá, những người nghe và người làm xấu sẽ không hài lòng, không thích.”

Bà Xuân cũng cho biết là ông Nguyễn Văn Nghiêm từng bị cơ quan chức năng phạt hành chính một lần vì live stream, tổng cộng 49 triệu đồng nhưng “không đóng" vì “anh nhà tôi bảo là phạt ít thì nộp, chứ còn phạt nhiều thì không có tiền nộp".

Bà Xuân nói thêm:

“Cái việc làm của chồng tôi trên mạng xã hội thì rất nhiều người đồng tình ủng hộ. Từ hôm qua, nghe tin chồng tôi bị bắt thì nhiều người liên tục hỏi thăm anh ấy bị bắt thế nào, quan tâm đến. Trước khi bị bắt đưa đi, chồng tôi nhắn lại rằng em hãy điện cho các anh cùng làm các chương trình như anh đang làm, nhờ các anh dưới Hà Nội giúp đỡ cho.”

Ngoài ra, bà Phạm Thị Xuân xác nhận ông Nguyễn Văn Nghiêm “không thuộc tổ chức, hội nhóm nào" và hiện bà đã nhờ Luật sư Hà Huy Sơn trợ giúp pháp lý.

Hôm 6/11, phóng viên RFA gọi điện nhiều lần đến cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình nhưng không nhận được phản hồi.

Chính quyền Việt Nam từng bắt giữ, phạt tù nhiều Facebooker có hành vi tương tự ông Nguyễn Văn Nghiêm. Trường hợp gần nhất là hôm 29/10, ông Nguyễn Văn Phước, ngụ tại Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang bị tuyên phạt 5 năm tù với cáo buộc sử dụng mạng xã hội chia sẻ thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 8/2018, ông Phước đã tự tạo và nhờ người thân tạo các tài khoản trên Facebook. Qua các tài khoản này, ông Phước dùng để theo dõi, gửi lời kết bạn với các tài khoản khác có ảnh đại diện liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng hòa và các đối tượng được cho là phản động lưu vong.

Bên cạnh đó, ông Phước cũng nhiều lần livestream nói chuyện về tình hình chính trị và chia sẻ bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền và Đảng CSVN.

Vào ngày 31/10, kiến trúc sư Phạm Xuân Hào, thạc sĩ, giảng viên khoa công nghệ Đại học Cần Thơ bị kết án 1 năm tù vì chia sẻ bài viết được cho là trái chiều, xuyên tạc đường lối, chủ trương của đảng trên Facebook.

Trước đó, Tòa án Cần Thơ cũng đã tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Hồng Nguyên (nick name “Bồ Công Anh”) và Trương Đình Khang (tên tài khoản Hồ Mai Chi) cùng ngụ quận Cái Răng lần lượt 2 năm và 1 năm tù cùng với tội danh như trên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.