Facebooker Lê Xuân Diệu tố bị công an tra khảo về bài viết trên mạng xã hội

RFA
2023.08.02
Facebooker Lê Xuân Diệu tố bị công an tra khảo về bài viết trên mạng xã hội Ông Lê Xuân Diệu và thông điệp về môi trường
Fb Dẹo Lu

Facebooker Lê Xuân Diệu trong hai ngày liên tiếp bị công an thành phố Hồ Chí Minh đánh đập và tra khảo về các bài viết chỉ trích chế độ trên trang cá nhân. 

Một người thân của ông Diệu cho hay, các sỹ quan thuộc Cơ quan An ninh điều tra - Công an TPHCM đang điều tra ông này về hai danh khoản Facebook là Diệu Lê và Dẹo Lu được cho là của ông.

Người này nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong sáng ngày 02/8 với điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Ông Diệu bị công an điệu lên trụ sở của Cơ quan An ninh điều tra thành phố vào sáng 31/7 sau khi từ chối đến đồn công an sau ba lần triệu tập để làm việc về các bài viết trên mạng xã hội Facebook.

Bốn công an ập vào nhà và áp giải ông đi ngay mà không có lệnh bắt. Công an không khám xét nhà ông.”

Người này cho biết trong ngày đầu, ông Diệu bị giữ tại đồn công an cả ngày và chỉ được về nhà vào chiều tối muộn, với thân hình tiều tuỵ và khuôn mặt có nhiều vết bầm tím. Kết quả khám bệnh chụp phim cho thấy ông bị đa chấn thương phần mềm và rạn xương sườn số 4.

Trong suốt quá trình tra khảo về các bài viết trên Facebook trong ngày 31/7, cứ mỗi 30 phút ông Diệu lại bị 7-8 công an xông vào đánh, người thân nói.

Ông Diệu, 46 tuổi, bị buộc lên đồn công an vào cả sáng và chiều ngày 01/8 làm việc với nội dung tương tự, tuy nhiên ông không còn bị đánh như trong ngày đầu nữa.

Ông chỉ được về nhà vào chiều muộn, phía công an không đưa ra thêm cuộc hẹn nào. Hiện điện thoại, các danh khoản mạng xã hội, và cả tài khoản ngân hàng của ông đã bị an ninh kiểm soát.

Người thân cho biết hiện giờ ông Diệu đau toàn thân, phải nằm ở nhà để dưỡng thương.

Phóng viên gọi điện thoại trực tiếp cho ông Diệu để hỏi về vụ việc nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn với lý do rất mệt mỏi sau hai ngày làm việc với công an.

Phóng viên cũng gọi điện vào số đường dây nóng của Công an TPHCM để hỏi về trường hợp này, tuy nhiên người trực điện thoại từ chối cung cấp thông tin, yêu cầu phóng viên đến cơ quan để làm việc với bộ phận tham mưu hoặc ban lãnh đạo của công an thành phố.

Ông Diệu là một trong số những người tích cực thuộc giới bất đồng chính kiến ở thành phố HCM và Việt Nam. Ông từng tham gia một số cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.

Trên Facebook Diệu Lê và Dẹo Lu có nhiều bài viết chỉ trích chế độ về các vấn đề như vi phạm nhân quyền, tham nhũng mang tính hệ thống, quản lý kinh tế yếu kém, ô nhiễm môi trường ở khắp nơi, và chủ quyền bị vi phạm ở Biển Đông…

Nhiều lãnh đạo trong đó có cả Hồ Chí Minh, người sáng lập ra chế độ, cũng bị ám chỉ trong nhiều bài viết.

Trong thời gian gần đây, lực lượng an ninh Việt Nam tăng cường đàp áp trực tuyến. Hai nhà hoạt động Phan Tất Thành và Dương Tuấn Ngọc mới đây bị bắt và khởi tố với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” sau nhiều ngày bị công an tra khảo. Ông Thành được cho là cựu admin của trang Nhật Ký Yêu Nước còn ông Ngọc có nhiều bài viết và video chỉ trích chế độ và lãnh tụ Hồ Chí Minh trên Facebook và Youtube.

Trong ngày 31/7, ba nhà hoạt động người Khmer, Danh Minh Quang ở Sóc Trăng cùng Thạch Cương và Tô Hoàng Chương ở Trà Vinh bị bắt vì cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì các hoạt động đòi quyền của người bản địa.

Kể từ đầu năm tới nay, ít nhất 12 người đã bị bắt và khởi tố và bảy người đã bị kết án tù từ năm năm đến tám năm tù giam vì một trong hai tội danh trên, theo thống kê của RFA.

Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội cho RFA biết họ bị an ninh thành phố gọi lên làm việc và yêu cầu không được viết hoặc chia sẻ các bài viết có nội dung “nhạy cảm” hoặc tham gia các hoạt động dân sự, kể cả biểu tình ôn hoà.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.