Các cựu lãnh đạo cấp cao góp ý kiến cho chiến lược 10 năm tới của Việt Nam

RFA
2019.08.26
NQH08810.jpg Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII, vào ngày 26/08/19 tổ chức hội nghị xin ý kiến các cựu lãnh đạo cấp cao đối với Chiến lược 10 năm của Việt Nam.
Courtesy: VGP News

Một số các cựu lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã tham dự hội nghị do Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng XIII tổ chức xin ý kiến đối với Chiến lược 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm cho Việt Nam.

Các cựu lãnh đạo cấp cao tham dự hội nghị bao gồm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nguyên Chủ tịch Quốc hội là ông Nguyễn Văn An và ông Nguyễn Sinh Hùng cùng một số vị lãnh đạo thuộc Bộ Chính trị, Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo cấp thành phố…

Hội nghị vừa nêu được tổ chức vào ngày 26 tháng 8, dưới sự chủ trì của ông Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng mặc dù Việt Nam đạt được nhiều thành quả phát triển trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến của các tổ chức thế giới và của giới chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng Việt Nam còn bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cả về thu nhập, mức sống, trình độ khoa học công nghệ, sản xuất và năng lực cạnh tranh qua nhận xét rằng Việt Nam “chưa giàu đã già”.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cựu lãnh đạo đóng góp ý kiến cho sự phát triển của Việt Nam về các giải pháp trọng tâm của mục tiêu chiến lược trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng các ý kiến tại hội nghị sẽ góp phần hoàn thiện những quan điểm, định hướng phát triển cả về tầm chiến lược và sách lược đồng thời củng cố sự tin tưởng, sức mạnh, tính kế thừa với tinh thần trách nhiệm cao giữa các thế hệ lãnh đạo, vì tương lai của dân tộc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.