Formosa sẽ vận hành thử nghiệm lò cao số 2 vào tháng 5
2018.05.16
Lò cao thứ hai của nhà máy Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được phép vận hành thử nghiệm trong tháng 5 này.
Truyền thông trong nước dẫn kết quả của Hội đồng giám sát liên ngành công bố tại buổi họp do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì diễn ra vào chiều ngày 16/05 như vừa nêu.
Kết quả đánh giá của Hội đồng giám sát liên ngành chính phủ Hà Nội cho rằng đến thời điểm hiện tại lò cao số 2 đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường để có thể vận hành thử nghiệm theo quy định của pháp luật như các công trình thu gom, quản lý nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh….
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Formosa Hà Tĩnh chỉ còn duy nhất Lò cao số 2 chưa vận hành thử nghiệm. Theo quy trình sản xuất, trước khi vận hành thử nghiệm Lò cao số 2, Formosa Hà Tĩnh phải đưa Xưởng luyện cốc số 2 (bao gồm lò cốc số 3 và 4), Máy thiêu kết số 1 và Lò vôi số 2 vào thử nghiệm trước và cần phải đảm bảo đạt công suất thiết kế để cung cấp đủ nguyên liệu cho Lò cao số 2.
Theo Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam thì hiện nay các hạng mục phụ trợ trên đã đảm bảo vận hành ổn định. Việc sấy Lò cao số 2 cũng đã được thực hiện vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, dự kiến, lò cao số 2 sẽ chính thức vận hành thử nghiệm từ 15 đến 25/5/2018, cho phép tổng sản lượng sản xuất thép dự kiến năm 2018 đạt khoảng 5 triệu tấn thép thành phẩm (gấp 3 lần so với sản lượng năm 2017).
Từ tháng 05/2017 lò cao số 1 đã được Formosa đưa vào vận hành thử nghiệm đạt 95% công suất thiết kế, mỗi ngày sản xuất khoảng 9100 tấn gang lỏng để chuyển sang luyện, cán thép.
Trước đó, vào tháng 4/2017, đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam khi đi kiểm tra các hạng mục môi trường của nhà máy thép Formosa đã phát hiện doanh nghiệp này đã tự ý chuyển đổi công nghệ được cấp phép là dập cốc khô sang sử dụng công nghệ dập cốc ướt để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, dư luận và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối về công nghệ với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi trường này và yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải chuyển đổi sang công nghệ dập cốc khô như đã được phê duyệt trước khi được phép vận hành thử nghiệm Lò vôi số 1.
Từ tháng tư năm 2016, thảm họa môi trường biển xảy ra do nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh thải hóa chất độc hại ra biển khiến cá, hải sản chết hàng loạt. Môi trường biển dọc các tỉnh miền Trung bị ô nhiễm khiến ngành ngư nghiệp và những ngành nghề liên quan bị tác động nặng nề.
Chính phủ Hà Nội nhận 500 triệu đô la tiền bồi thường của Formosa.