Trước Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ 26: Kêu gọi VN "nỗ lực vươn lên về nhân quyền"
2022.11.02
Ngay trước thềm Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ thường niên lần thứ 26, bốn tổ chức xã hội dân sự (XHDS) ở trong và ngoài nước kêu gọi chính quyền Việt Nam phải nỗ lực vươn lên về nhân quyền để xứng đáng với vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền mà họ mới được bầu.
Thư ngỏ của bốn tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Người Bảo vệ Nhân quyền, Lực lượng Cứu quốc, và Đài phát thanh Đáp lời Sông núi gửi tới bà Erin Barclay, quan chức cấp cao Văn phòng Dân chủ, Nhân Quyền & Lao Động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong phiên đối thoại nói trên.
Thư được gửi tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong ngày 1/11, một ngày trước khi đối thoại thường niên dự kiến diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày, bắt đầu từ ngày 2/11.
Trong thư ngỏ, bốn tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam đề nghị phái đoàn Hoa Kỳ tham gia đối thoại thường niên ở Hà Nội kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do tức khắc cho tù nhân chính trị, người bất đồng chính kiến, nhiều lãnh đạo xã hội dân sự về bảo vệ môi trường, những người bị bắt và kết án chỉ vì các hoạt động ôn hoà.
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Chúng tôi thấy 26 kỳ đối thoại vừa qua không có tiến bộ nào (về nhân quyền- PV) đáng kể cả. Trong thời gian qua, những vụ bắt bớ đã lên đến tột đỉnh. Nhà nước Việt Nam lạm dụng Bộ luật Hình sự để bịt miệng người bất đồng chính kiến, những người nói lên lẽ phải.
Phái bộ Mỹ trong Đối thoại Nhân quyền với Việt Nam nên yêu cầu Hà Nội phải thả những người bị kết án một cách bất công.”
Ông cho biết, từ đầu năm đến nay có gần 20 người bị bắt giữ và 27 người bị kết án tù với những án tù nặng nề. Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đàn áp tự do biểu đạt bằng việc áp dụng Điều 117 “phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước” và Điều 331 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự.
Mới nhất là trường hợp của nhà báo tự do Lê Mạnh Hà, người chỉ sử dụng mạng xã hội để bênh vực dân oan mà bị xử theo Điều 117 và bị kết án tám năm tù giam cùng ba năm quản chế.
Sau khi kết án người hoạt động bằng những bản án hà khắc, nhà chức trách đày đoạ họ bằng việc bắt họ đi thi hành án ở những nơi xa gia đình và có khí hậu khắc nghiệt.
Trong tháng trước, nhà hoạt động nhân quyền được nhiều giải thưởng quốc tế Phạm Đoan Trang bị đưa đi lưu đày ở Trại giam An Phước, cách nơi sinh sống của mẹ già và người thân của cô 1.500 km.
Bà Trang bị bắt giữ hồi tháng 10/2020, chỉ vài giờ sau khi cuộc Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 24 kết thúc.
Việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự không thuyên giảm sau khi Đảng Cộng sản cầm quyền tiến hành đại hội Đảng lần thứ 13 và tổ chức bầu cử Quốc hội, tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng nói.
Theo ông, Việt Nam vừa mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ phải cải thiện nhân quyền chứ không thể lợi dụng vị trí này để vi phạm nhân quyền.
Trong thư ngỏ, các tổ chức cho rằng phía Hoa Kỳ cần thúc giục Việt Nam triệt để tôn trọng quyền tự do biểu đạt tư tưởng, tôn trọng quyền tự do lập hội, đặc biệt là hoạt động công đoàn độc lập.
Các tổ chức cũng cho rằng Việt Nam cần phải trả lại các cơ sở từ thiện, trường học, nơi hành lễ của các tôn giáo, bên cạnh việc tôn trọng truyền thống, nếp sống của các sắc tộc thiểu số.
Trong thời gian một tháng trước Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ, nhiều nhóm Tin lành ở Tây Nguyên cho biết họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu và cấm đoán việc thực hành nghi lễ tôn giáo.
Trong nhiều ngày gần đây, một số nhà hoạt động và thân nhân của tù nhân lương tâm ở nhiều địa phương cũng cho biết họ bị an ninh thường phục canh gác tư gia.
Nhà nước Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền để phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết và nhất là tương xứng với vai trò một nước thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam vừa được bầu giữa tháng 10 vừa qua cho nhiệm kỳ 2023-2025, bốn tổ chức nhấn mạnh trong thư ngỏ.