Vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ
Vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam và Ấn Độ
Vốn đầu tư toàn cầu đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi khác ở Châu Á bao gồm Ấn Độ và Việt Nam vào khi các nhà đầu tư đang tìm giải pháp thay thế do có những nguy cơ về địa chính trị.
Trang tin Nikkei dẫn số liệu từ Goldman Sachs cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2017, luồng đầu tư nước ngoài vào chứng khoán các thị trường mới nổi ở Châu Á không bao gồm Trung Quốc vào năm ngoái đã đứng đầu mua ròng các chứng khoán tại Trung Hoa Đại lục qua chương trình Sock Connect. Số lượng tương ứng tại hai thị trường là 39 tỷ và 32 tỷ đô la.
Nikkei dẫn phân tích của chuyên gia Sunil Koul của Goldman nhận định sự gia tăng này đã xảy ra trong vòng bốn tháng qua.
Hiện nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục chậm sau thời kỳ đại dịch, cộng thêm vào đó là các vấn đề trong thị trường bất động sản và người trẻ thất nghiệp nhiều.
Nikkei dẫn nhận địch của chuyên gia Hiroshi Matsumoto của Pictet Asset Management (Nhật Bản) cho rằng các nhà đầu tư Châu Âu và Mỹ đang lo ngại vì tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Họ lo ngại các tài sản của họ sẽ bị đóng băng hoặc khó bán như trong trường hợp đã xảy ra khi Nga xâm lược Ukraine. Nhà phân tích này cho rằng việc đầu tư trực tiếp vào chứng khoán ở Trung Hoa đại lục vào lúc này là rất rủi ro.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng lo ngại về tình hình nhân quyền của Trung Quốc.
Ấn Độ được cho là một nơi đến cho vốn đầu tư hấp dẫn có thể thay thế Trung Quốc do nhu cầu nội địa của nước này đang tăng do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Dân số của Ấn Độ hiện vào khoảng 1,43 tỷ người vào giữa năm nay, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chờ đón việc các nhà sản xuất chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Hãng sản xuất chip của Mỹ là Advanced Micro Devices hồi tuần trước nói rằng hãng đang có kế hoạch đầu tư 400 triệu đô la vào Ấn Độ trong vòng năm năm tới.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có những hấp dẫn do chi phí lao động thấp và chính trị khá ổn định, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế.
Hãng LG Innotek của Hàn Quốc dự kiến đầu tư thêm một tỷ đô la vào vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị cảm ứng camera tại Việt Nam, đưa công suất sản xuất của hãng này tại quốc gia Đông Nam Á này lên gấp đôi.