Gojek rời thị trường Việt Nam sau sáu năm

2024.09.05
Gojek rời thị trường Việt Nam sau sáu năm Những người giao hàng của các hãng Gojek, Grab và Shopee ở Jakarta hôm 10/2/2022
BAY ISMOYO / AFP

Hãng gọi xe và giao đồ ăn của Indonesia vừa thông báo sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam vào ngày 16/9 tới sau khi đã xem xét lại tình hình thị trường nhằm tập trung hoạt động vào chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.

Thông báo của hãng cho biết hãng sẽ hỗ trợ các bên bị ảnh hưởng vì quyết định này và sẽ tuân thủ các quy định và luật pháp hiện hành trong thời điểm rút khỏi thị trường.

Gojek được thành lập vào năm 2010 và ứng dụng của hãng được ra mắt ở Indonesia vào tháng 1/2015. Từ đó hãng trở thành nền tảng đặt dịch vụ hàng đầu tại Indonesia.

Hãng bắt đầu vào thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tiền thân là ứng dụng GoViet. Sự kiện ra mắt ứng dụng này tại thị trường Việt Nam có sự tham gia của Tổng thống Indonesia là ông Joko Widodo. Gojek lúc đó là đối tác chiến lược, cung cấp tài chính cho GoViet.

Vào tháng 7/2020, GoViet công bố hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek.

Vào tháng 8/2020, Gojek công bố chính thức ra mắt ứng dụng Gojek tại Việt Nam với các dịch vụ gọi xe (GoRide), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood).

Gojek hoạt động ở TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai.

Hiện tại, thị trường gọi xe của Việt Nam có các hãng Grab, Xanh SM, Be và Gojek. Theo báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, 42% người Việt lựa chọn Grab khi muốn sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy.

Theo báo cáo này, chỉ 7% người cho biết thường xuyên dùng Gojek.

Business Times của Singapore cho biết, Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II. Vì vậy, việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty.

Hồi tháng 12 năm ngoái, một hãng giao đồ ăn khác của Hàn Quốc cũng phải rời Việt Nam là Baemin sau bốn năm gắn bó.

Báo Nhà nước cho biết, các hãng này rời thị trường Việt Nam đều có thị phần thấp hơn so với các hãng khác dù thị trường giao đồ ăn của Việt Nam là một “miếng bánh béo bở”.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works năm 2023, Baemin chỉ chiếm 5% tổng giá trị hàng hóa trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, Gojek là 3%, trong khi con số này của Grab là 47% và Shopee Food là 45%.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
05/09/2024 11:10

Học khôn... rút chân khỏi Việt Nam... không muốn chân đạp vỏ dừa Việt Cộng,
độc đảng, độc tài, độc có tài nói càng hay, làm càng láo, càng láo, càng hay.