Thanh tra Chính phủ trong ngày 9/12 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Cục quản lý lao động nước ngoài (QLLĐNN) như tuỳ tiện, thiếu khách quan, thiếu minh bạch và lựa chọn doanh nghiệp không đúng với tiêu chí đề ra trong công tác xuất khẩu lao động.
Truyền thông Nhà nước đã loan tải thông tin trên dựa theo Kết luận của Thanh tra chính phủ về việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam (VN) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, được phát hành vào cùng ngày.
Theo kết luận, liên quan đến quá trình tuyển thực tập sinh ngành hộ lý đi Nhật, Cục QLLĐNN trong khi chưa ban hành tiêu chí, điều kiện cụ thể để lựa chọn doanh nghiệp (DN) nhưng từ tháng 6 đến tháng 8/2018, Cục đã đồng ý cho 13 DN đưa thực tập sinh đi Nhật.
Điều đáng nói là trong số 13 DN được cục chọn, có DN mới được cấp phép hoạt động hoặc nằm trong danh sách thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngoài ra Thanh tra CP cũng phát hiện, từ năm 2002 ngoài khoản tiền phí phục vụ hằng tháng được phép thu từ người lao động, các hợp đồng của các công ty môi giới Đài Loan ký với các DN Việt Nam đều quy định người lao động phải trả cả mức tiền môi giới.
Đối với thị trường Nhật Bản, trong khi chính phủ hai bên đã ký thoả thuận loại bỏ môi giới trong quá trình đào tào và thực tập kỹ thuật, nhưng Cục QLLĐNN vẫn để tình trạng công ty môi giới của Nhật Bản ký hợp đồng với DN Việt Nam, trong đó có yêu cầu tiền môi giới (thực tế là tiền của người lao động).
Hơn thế, Cục QLLĐNN còn tham mưu cho bộ ban hành Quyết định 61, quy định mức tiền môi giới tối đa người lao động hoàn trả cho DN đối với thị trường Nhật Bản là 1.500 USD/người/hợp đồng.
Điều này đã khiến, trong giai đoạn 2013-2018, có 175.239 người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, phải chi trả khoản tiền môi giới với mức thu do Bộ quy định.
Thời gian qua, nhiều lao động ở Đài Loan đã biểu tình phản đối tình trạng môi giới lao động và thu phí quá cao đối với người lao động ở nước ngoài. Nhiều lao động Việt ở Đài Loan cho Đài Á Châu Tự Do biết họ thậm chí phải nộp mức phí môi giới lên đến 6.000 đô la một người.