Nhà hoạt động Trương Dũng sẽ bị đưa ra xử sơ thẩm vào ngày 28/3
2023.03.15
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm vào ngày 28/3 để xét xử nhà hoạt động Trương Văn Dũng (hay còn gọi là Trương Dũng) theo cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ năm 1999.
Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ của ông Dũng cho biết vào ngày 10/3, bà nhận được văn bản triệu tập của toà án trong đó bà có vai trò của người làm chứng trong phiên toà sắp tới.
Ông Dũng, 65 tuổi, người thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, bị bắt vào ngày 21/5/2022.
Ông bị biệt giam không được gặp người thân kể từ khi bị bắt tới nay. Vào ngày 03/3, ông được gặp luật sư Ngô Anh Tuấn lần đầu tiên để chuẩn bị cho việc bào chữa trong phiên toà sắp tới.
Bà Hợp chỉ được tiếp tế cho chồng hàng tháng. Đầu tháng qua, bà đi cùng luật sư đến Trại tạm giam số 1 nơi ông Dũng đang bị giam giữ nhưng bà không được gặp chồng. Bà nói với RFA:
“Tôi cùng luật sư vào, luật sư được vào gặp (chồng tôi- PV) còn tôi ngồi chờ ở cổng Trại giam số 1. Luật sư được gặp nửa tiếng.
Luật sư nói anh Dũng khoẻ mạnh bình thường, hàng ngày anh ấy niệm Phật.”
Trong tin nhắn gửi RFA, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết trong lần gặp đầu tiên với thân chủ, hai bên chưa trao đổi gì cụ thể vì ông chưa nhận được hồ sơ vụ án. Dự kiến, ông sẽ sao chụp hồ vụ án trong tuần này và sau đó mới có thể trao đổi với thân chủ về việc bào chữa.
Ông Trương Văn Dũng là người tham gia tích cực vào các hoạt động dân sự ở Hà Nội như biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016, hay đòi chính quyền tôn trọng các quyền tự do căn bản, và công lý cho các dân oan.
Vì tham gia hoạt động này, ông Dũng đã nhiều lần bị công an bắt giữ, thậm chí đánh đập. Trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2018, ông Dũng đã bị công an đánh ít nhất sáu lần.
Cách đây đúng năm năm, trong ngày tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma ở Trường Sa bị thảm sát bởi Trung Quốc (14/3), ông bị đánh gãy răng ở văn phòng Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội. Ông còn bị lấy mất xe và bốn triệu đồng tiền mặt.