Hà Nội: tiền điện của người dân tăng đột biến, EVN nói do thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ

RFA
2024.03.03
Hà Nội: tiền điện của người dân tăng đột biến, EVN nói do thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) sẽ thay đổi ghi chỉ số công tơ điện vào ngày cuối cùng của tháng tại 21 quận huyện
EVN HN

Nhiều người dân Hà Nội mới đây chia sẻ trên mạng xã hội hoá đơn tiền điện tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Trong đó có nhiều hóa đơn, tiền điện tăng gấp hai đến ba lần so với các tháng trước đó.

Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội giải thích nguyên nhân tiền điện tăng trên truyền thông nhà nước trong ngày 3/3 rằng, hoá đơn tiền điện lần này cao hơn do Tổng công ty Điện lực Hà Nội đang thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ, chuyển từ đầu tháng sang cuối tháng. Tức là, thay vì ghi chỉ số công tơ với khách hàng sinh hoạt trải dài từ ngày 3-20 hằng tháng, từ tháng 2, việc này được thực hiện vào cuối tháng.

Do đó, số ngày sử dụng điện của khách hàng trong tháng 2/2024, thay vì 31 ngày như thời gian trước đây, sẽ thành tối thiểu 48 ngày đến tối đa 56 ngày sử dụng, số tiền điện trong tháng 2/2024 được tính gộp trên sản lượng 31 ngày cộng với số ngày thay đổi. Do đó, hóa đơn tiền điện lần này thể hiện số tiền điện khách hàng phải trả cho cả tháng 1 và tháng 2. Đây cũng là lý do tiền điện cao hơn, vì số ngày tính tiền điện từ 30 ngày nâng lên thành 57 ngày.

Bà Tô Lan Phương - Trưởng Ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội - cho biết thêm, mức sử dụng điện của từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo số ngày thực tế của kỳ ghi chỉ số. Vì vậy, việc ghi này vẫn đảm bảo quyền lợi cho hơn 2,8 triệu khách hàng sử dụng điện trên toàn địa bàn thủ đô, bởi số kWh để tính bậc thang theo giá điện cũng được chia đều khi số ngày tăng lên.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, việc điều chỉnh thống nhất ngày ghi chỉ số công tơ điện sẽ giúp cho quản lý ngành, việc thanh quyết toán, báo cáo số liệu thống nhất, tránh những sai sót liên quan đến việc ghi chỉ số, xuất hóa đơn.

“Đây là chủ trương đã có và tổng công ty đã báo cáo các cấp để thống nhất triển khai đồng bộ, thông tin tuyên truyền cho người dân" - ông Thắng nói trên tờ Lao động.

Cũng trong ngày 3/3, tại cuộc gặp Thủ tướng với các doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thừa nhận, EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc cuối tháng 5 đầu tháng 6. Nguyên nhân được cho là lượng điện tiêu thụ tăng mạnh trong khi thủy điện, một trong hai nguồn cung chính, bị sụt giảm huy động do hạn hán. World Bank ước tính phí tổn kinh tế của các đợt mất điện thời điểm đó khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP.

Theo ông An, đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Cùng với đó, Chủ tịch EVN cam kết đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%.

"Năm 2024, EVN sẽ không để thiếu điện trong mọi tình huống như Thủ tướng đã chỉ đạo", ông An nói trên tờ VnExpress và cho biết tập đoàn đã chuẩn bị với kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh, tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
03/03/2024 11:00

Ơ hay, đểu nhỉ, láo nhỉ, tục nhỉ... thủ tục đầu tiên rất tục... tiền đâu... lấy tiền trước, tính tiền sau.
Tập đoàn Điện lực Việt Cộng, nhà nước " cụ Hồ " tha hồ rút kinh nghiệm, tha hồ rút ruột nhân dân.