Đường sắt Cát Linh-Hà Đông doanh thu đạt 46 tỉ đồng sau 10 tháng, Hà Nội dự kiến trợ giá
2022.10.03
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sau 10 tháng đi vào hoạt động thương mại đã vận chuyển được hơn 5,4 triệu lượt khách với tổng doanh thu đạt hơn 46 tỉ đồng. Hà Nội dự kiến sử dụng ngân sách để trợ giá 80% vé tháng như hình thức trợ giá xe buýt.
Đó là thông tin do Bộ Giao thông Vận tải cho truyền thông nhà nước hay trong ngày 3/10.
Trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, đường sắt Cát Linh Hà Đông cho biết có doanh thu đạt hơn năm tỷ đồng nhưng do chi phí vận hành và quản lý nên vẫn bị lỗ ròng là 64 tỷ đồng. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng. Nếu tính lỹ kế, doanh nghiệp lỗ tổng cộng 160 tỷ đồng.
Nhiều người dân ở Hà Nội cho biết họ không thích sử dụng đường sắt
Cát Linh Hà Đông do những bất tiện về thiếu bãi giữ xe và các điểm dừng của tuyến đường sắt này không tiện lợi cho họ đến cơ quan.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, do chi phí vận hành lớn, giá vé phải rẻ để thu hút khách sử dụng tàu điện công cộng, dự kiến Hà Nội sẽ sử dụng ngân sách để trợ giá cho đơn vị khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tương tự ngân sách trợ giá cho xe buýt). Phương án trợ giá cho tàu Cát Linh - Hà Đông đang được Hà Nội xem xét, trong đó vé tháng dự kiến được ngân sách trợ giá khoảng 80%, vé ngày được trợ giá khoảng 50%.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD), trong đó vốn vay gần 13.000 tỷ đồng và vốn đối ứng từ phía Việt Nam hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là dự án gây nhiều tranh cãi và được gọi với cái tên là “biểu tượng trễ hẹn” khi có hơn 10 lần thay đổi lịch vận hành thương mại trong vòng hơn 10 năm triển khai thi công.