Yêu cầu điều tra gỗ dán cứng Việt Nam xuất khẩu

RFA
2020.03.04
2004-02-08T000000Z_1768629318_RP4DRIGLHJAC_RTRMADP_3_INDONESIA Ảnh minh họa.
Reuters

Liên minh Thương mại Công bằng Gỗ dán cứng vừa yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ DOC điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam.

Báo trong nước loan tin ngày 4/3, trích thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công thương Việt Nam.

Tin cho biết, Liên minh Thương mại Công bằng gỗ dán cứng cho rằng Trung Quốc sau khi bị DOC áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ đã chuyển các thành phần sang Việt Nam để thực hiện lắp ráp rồi tiếp tục chuyển sang Hoa Kỳ.

Do đó, Liên minh Thương mại Công bằng gỗ dán cứng đề nghị DOC điều tra việc này đối với tất cả các nhà xuất khẩu ván ép gỗ cứng của Việt Nam bị cáo buộc liên kết với Trung Quốc trong 45 ngày tính từ ngày nhận đơn kiện.

DOC vẫn đang xem xét có chấp nhận đơn kiện và bắt đầu điều tra hay không.

Nếu các doanh nghiệp Việt bị xác định có lẩn tránh thuế, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với mức thuế mang tính trừng phạt rất cao và có hiệu lực từ thời điểm khởi xướng.

Trước tình hình này, Cục Phòng vệ Thương mại thông báo các doanh nghiệp cần khẩn trương xem xét có quan điểm, ý kiến đối với các nội dung trong đơn kiện của nguyên đơn và sớm gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Trong trường hợp DOC khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp cần xem xét tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc.

Vào tháng 1/2018, DOC ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá lên đến gần 184%; mức thuế chống trợ cấp gần 23% - 195%.

Vì thế, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi nhanh chóng, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019.

Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, tăng lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019, tăng khoảng 950% so với năm 2016.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.