Hiện có chín dự án nhà máy nhiệt điện được xây theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đô là, thế nhưng nhà đầu tư cho biết vẫn không mặn mà với BOT.
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) trong ngày 11/7 cho hay trên tờ Lao động rằng, hiện nay, nhiều nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam, tuy nhiên, họ đã chuyển hướng sang đầu tư theo hình thức thông thường (IPP) thay vì BOT.
Theo ông Dũng, thực tế hầu hết các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG hiện đang được nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư theo hình thức IPP.
Vẫn theo ông Dũng, trong lĩnh vực điện, tất cả dự án đã và đang triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư - chỉ theo một loại hình duy nhất là BOT; đều do nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư (không có sự tham gia góp vốn của Nhà nước).
Trong đó, chủ đầu tư góp vốn chủ sở hữu khoảng 20-25% tổng vốn đầu tư, còn lại khoảng 75-80% tổng vốn đầu tư là thu xếp vay từ các tổ chức tài chính quốc tế (tức là bên cho vay nước ngoài).
Tính đến nay có tất cả chín dự án nhà máy nhiệt điện được triển khai thành công theo hình thức BOT (tức là đã vận hành thương mại hoặc đang triển khai xây dựng), với tổng công suất khoảng gần 10.500MW và tổng vốn đầu tư thu hút được khoảng hơn 16 tỉ USD.
Ông Dũng xác nhận việc triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện than theo hình thức BOT gặp rất nhiều khó khăn, không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu do theo xu thế toàn cầu hiện nay, hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế đã không tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than.
Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BOT với chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án, tuy nhiên, các hợp đồng khác trong bộ hợp đồng dự án (như: Hợp đồng Mua bán điện, Hợp đồng Thuê đất, Hợp đồng Cung cấp than, Hợp đồng Cung cấp khí) lại do các đối tác phía Việt Nam khác (như: EVN, UBND tỉnh, TKV, PVN) ký kết với doanh nghiệp dự án. Do vậy, ông Dũng đề nghị các đối tác dự án phía Việt Nam cần phải đảm bảo tuân thủ đúng cam kết trong các hợp đồng dự án đã ký kết với doanh nghiệp dự án, tránh để xảy ra vi phạm hợp đồng dẫn đến việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Chính phủ phải đền bù cho doanh nghiệp dự án.