Đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện trong năm 2024 để bù lỗ cho EVN

RFA
2024.01.26
Đề xuất tiếp tục điều chỉnh giá điện trong năm 2024 để bù lỗ cho EVN Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội (minh hoạ)
AFP

Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện năm 2024 nhằm giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn để thanh toán cho các chủ đầu tư nhà máy điện.

Kiến nghị điều chỉnh giá điện 2024 được Bộ Công thương đưa ra tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vào đầu tuần này và được truyền thông trong nước loan ngày 26/1.
Theo Bộ Công thương, mặc dù đã hai lần tăng giá điện trong năm 2023 (mức 3% và 4,5%), song đến nay khoản lỗ của EVN vẫn chưa thể khắc phục.

Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công thương, trong năm vừa rồi tập đoàn này đã lỗ 17.000 tỷ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng. Báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, khoản lỗ của công ty mẹ được công bố là 26.499 tỷ đồng và toàn tập đoàn lỗ 20.747 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao.

Theo Tổng giám đốc EVN, hiện EVN và các Tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.

Tổng giám đốc EVN qua đó mong muốn sớm có điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện phù hợp với thực tế để tập đoàn này vượt qua được khó khăn về tài chính.
Trong hai năm 2022, 2023, EVN nhiều lần đề xuất tăng giá điện để bù lỗ. Việc đề xuất trên gặp phải nhiều phản ứng từ người dân và giới chuyên gia.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 1/9/2023 về việc Bộ Công Thương đồng ý đề xuất tăng giá điện ‘cõng’ các khoản lỗ của EVN, cho rằng:

“Cái lỗi của thượng tầng, tức là lỗi của người định hướng, là định hướng sai, nhưng nhân dân phải chịu. Nhân dân phải chịu đựng cái không đáng phải chịu đựng, thì cái đó không hợp lý.”

Hồi tháng 1/2024, EVN đã ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW. Theo hợp đồng, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu điện từ Lào để đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

EVN cho rằng phải triển khai sớm việc nhập khẩu điện từ Lào vì từ nay tới năm 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ có khả năng miền Bắc sẽ thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.