Nhật tiếp tục cấp visa cho lao động Việt Nam

RFA
2020.08.06
nhật bản Thị trường Nhật Bản luôn đứng đầu danh sách xuất khẩu lao động kỹ năng Việt Nam sang làm việc (Ảnh Minh Họa do AFP chụp nhân chuyến thăm các công nhân của Thủ tướng Nhật tại nhà máy vừa và nhỏ ở Tokyo)
AFP

Kể từ gày 29 tháng 7 năm 2020, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận lại hồ sơ xin cấp mới visa cho công dân Việt Nam.

Theo thông báo chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, visa vào Nhật Bản sẽ được cấp cho người mang quốc tịch Việt Nam sinh sống trong nước, sử dụng chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Những visa được cấp với các mục đích như lao động, kinh doanh, thuyên chuyển công tác nội bộ, kỹ sư, trí thức... và các hoạt động đặc định gồm khởi nghiệp, hộ lý, điều dưỡng EPA (Economic Partnership Agreement). EPA là chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản ngành điều dưỡng, hộ lý, và các ứng viên...

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho biết, đối với visa với tư cách lưu trú thực tập kỹ năng, chỉ cấp giới hạn nên sẽ tiếp nhận hồ sơ theo hướng ưu tiên ngành nghề.

Thông báo này cũng nêu rõ, những người có visa sau khi nhập cảnh Nhật Bản, cần phải tự cách ly 14 ngày tại nhà và không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong khoảng thời gian này.

Cũng tin liên quan xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, một số nước đã bắt đầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất như Đài Loan, nhưng số lượng giới hạn; Hàn Quốc cho phép lao động nhập cảnh từ đầu tháng 6 đối với thuyền viên, đánh cá… trừ chương trình EPS (Employment Permit System- Hệ thống cấp phép vấn đề việc làm).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã bắt đầu đưa lao động đi làm việc trở lại tại Đài Loan và Hàn Quốc. Nhưng hiện việc xin visa cho lao động khó khăn hơn trước, giá vé máy bay tăng cao và ít chuyến.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.