Các trận động đất liên tục xảy ra tại tỉnh Kon Tum, miền trung Việt Nam, trong các ngày 23 và 24 tháng 8 với cường độ lớn từ 2.5 đến 4.7 độ Richter khiến giới chức Việt Nam lo ngại và bàn đến nguyên nhân có thể liên quan đến các hồ chứa nước của các công trình thủy điện.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình, vào chiều ngày 24/8, Ban chỉ đạo quốc gia vềPhòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Truyền thông Nhà nước trích dẫn báo cáo của Ban chỉ đạo tại cuộc họp cho biết, thời gian gần đây động đất xảy ra thường xuyên, có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Năm 2021 khu vực này đã xảy ra 114 trận, tám tháng đầu năm 2022 có 146 trận.
Trận động đất lớn nhất được ghi nhận gần đây xảy ra vào lúc 14 giờ 8 phút ngày 23-8 có độ lớn 4.7 Richter, tương đương cường độ động đất tại thuỷ điện Sông Tranh 2 thuộc tỉnh Quảng Nam.
Theo nhận định sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, cường độ động đất trong khu vực có thể lên tới 5.5 độ Richter.
Trả lời phỏng vấn của báo Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nói rằng: "Theo nhận định ban đầu, đây là động đất kích thích do sự tích nước hồ chứa nước. Tuy nhiên, để đánh giá xem, liệu các trận động đất có liên quan đến các thủy điện hay không thì các chuyên gia, nhà khoa học cần có thời gian nghiên cứu chuyên sâu."
Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch, tổng công suất lắp máy 870,6MW. Trong đó, có 28 dự án đã hoàn thành.
Theo dự kiến, trong năm 2022, Kon Tum sẽ khởi công xây dựng sáu dự án thủy điện. Thời gian thi công xây dựng của các dự án thủy điện trên là khoảng 24 - 30 tháng hoàn thành, vận hành phát điện.