Nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ tại rừng đặc dụng Đray Sáp, huyện Krông Nô, Cư Jút của tỉnh Đắk Nông nhưng đơn vị quản lý báo cáo chỉ có một cây, báo Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 16 tháng 3.
Theo phản ánh của báo Lao Động, tại khu vực hang C3, thuộc rừng đặc dụng Đray Sáp, đã phát hiện một thân cây trước cửa hang bị gãy đổ. Cây có đường kính khoảng 2 người lớn ôm không xuể với chiều dài khoảng 20m. Cây có dấu hiệu bị hun lửa đốt cháy dần gốc.
Theo người dẫn đường địa phương, cây gỗ quý này nằm cạnh hang C3 - nơi có nhiều khách du lịch qua lại. Nhiều khả năng do sợ bị phát giác nên lâm tặc không dám cửa xẻ trực tiếp nên đã dùng biện pháp hun lửa đốt cháy gốc để cây tự đổ rồi sẽ tính toán thu dọn lấy gỗ sau.
Tin cũng cho biết cách hang C3 chừng vài chục phút đi bộ, còn nhiều cây rừng bị đốn hạ, vết cưa còn mới, tại những địa điểm bị chặt phá này có rất nhiều biển cấm phá rừng. Xen lẫn với những cây gỗ mới bị đốn hạ còn có thêm nhiều cây gỗ khác bị cưa xẻ, bị rêu mốc, mục nát, nằm ngổn ngang.
Điều này cho thấy việc phá rừng ở khu vực này đã xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, khi được hỏi, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung - đơn vị quản lý Khu rừng đặc dụng Đray Sáp cho biết, khu vực này “chỉ có 1 cây bị chặt” và đã được đơn vị lập biên bản.
Ngoài việc cây bị đốn hạ, hiện việc săn bắt thú rừng đặc dùng dường như cũng khá phổ biến ở rừng đặc dụng Đray Sáp. Cũng theo phản ánh của báo Lao động, tại khu vực nói trên, bẫy thú được lắp đặt với mức độ dày đặc, thậm chí còn được bố trí với cách nhau khoảng từ 1 - 3m.
Đắk Nông hiện là điểm nóng hàng đầu của Tây Nguyên về số vụ phá rừng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Vùng 4, trong hai tháng đầu năm 2021, 5 tỉnh Tây Nguyên xảy ra 419 vụ vi phạm lâm luật trong Đắk Nông dẫn đầu với 65 vụ phá rừng.