Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình về xuất khẩu gạo trước Quốc hội
2020.06.15
Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận mặc dù có sự điều hành chưa thật sự thông suốt trong xuất khẩu gạo, nhưng vẫn bày tỏ sự lạc quan qua kim ngạch xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2020 đạt tới 1,48 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thông tin vừa nêu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội của Quốc hội vào hôm 15/6. Cụ thể, trong 5 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu 3,06 triệu tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 1,48 tỷ USD, tăng 12,44%.
Giải trình trước các đại biểu Quốc hội, ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng Bộ Công thương đã phải điều hành về xuất khẩu gạo trong bối cảnh Việt Nam và thế giới rất căng thẳng trong chống dịch COVID-19 nên nhu cầu về an ninh và tích trữ lương thực của các nước gia tăng. Việt Nam còn đối mặt với vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn. Do đó, Bộ Công thương phải cân nhắc điều hành xuất khẩu gạo theo hạn ngạch hay tạm dừng và tạm giãn xuất khẩu gạo.
Xin được nhắc lại, Bộ Công thương, vào ngày 24/3 đã gửi văn bản hỏa tốc đến Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo ngay sau khi yêu cầu của Thủ tướng tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo đến đầu tháng 5 và có hiệu lực từ 0 giờ trong cùng ngày.
Đại biểu Quốc hội, tại phiên họp vào ngày 15/6 phản ánh rằng việc điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công thương còn lúng túng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, TP.Cần Thơ lên tiếng rằng quyết định đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo một cách đột ngột đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì ký kết hợp đồng với các đối tác mà không xuất hàng đi được và phải tốn thêm chi phí. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng nhất định đến cơ hội xuất khẩu giá cao, có lợi cho người sản xuất.
Vị Đại biểu đến từ TP.Cần Thơ cũng đề nghị Chính phủ cần thiết phải đánh giá, trách nhiệm và cơ quan tham mưu, phương pháp điều hành, về việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, đồng thời cho biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rút kinh nghiệp và tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật để điều hành xuất khẩu gạo cũng như đảm bảo an ninh lương thực.