Hơn 1000 con heo mắc bệnh lở mồm long móng bị tiêu hủy ở Kon Tum

RFA
2019.02.15
HEOKONTUM.jpg Tỉnh Kon Tum tiêu hủy hơn 1000 con heo bị mắc bệnh dịch lở mồm long móng tại huyện Đăk Hà.
Courtesy: Ảnh chụp màn hình tienphong.vn

Tỉnh Kon Tum công bố dịch bệnh lở mồm long móng gia súc bùng phát tại huyện Đăk Hà và đã tiêu hủy hơn 1000 con heo bị mắc bệnh dịch này.

Truyền thông trong nước, vào ngày 15 tháng 2 loan tin vừa nêu, dẫn nguồn từ thông báo của Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà cho biết dịch bệnh đang lây lan trên diện rộng khắp các thôn, xã của huyện và ngành thú y địa phương đang tích cực trong công tác dập dịch và phòng dịch.

Trong cùng ngày 15 tháng 2, tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn các tỉnh phía Bắc, diễn ra ở Hà Nội, Cục Thú y báo cáo từ đầu năm 2019 đến ngày 14 tháng 2, bệnh lở mồm long móng gia súc xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu ở heo chưa được tiêm phòng vắc-xin và bệnh dịch này có nguy cơ phát sinh, lây lan rất cao vì mầm bệnh lưu hành trong đàn gia súc khắp các địa phương trong nước.

Bên cạnh đó, Cục Thú y còn báo cáo trong cùng thời điểm, bệnh cúm gia cầm cũng bộc phát tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa và đã tiêu hủy gần 9000 con gà bị nhiễm virus A/H5N6.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, tại Hội nghị, lên tiếng cảnh báo nguy cơ mầm bệnh H5N1, H7N9, dịch tả lợn Châu Phi…lây nhiễm vào Việt Nam rất cao; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam hiện đang trong giai đoạn gia súc, gia cầm bị lây nhiễm dịch bệnh cao, tuy nhiên công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn bị thờ ơ ở nhiều nơi.

Truyền thông quốc nội cũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký thông qua một chương trình quốc gia về phòng chống cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 nhằm giảm tác hại đối với xã hội và nền kinh tế.

Virus cúm gia cầm A/H5N1 trên gia cầm được báo cáo lần đầu tiên vào Việt Nam hồi cuối năm 2003. Tại thời điểm đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tuyên bố dịch bệnh này và bị thiệt hại nặng nề khi có hơn 45 triệu gia cầm bị tiêu hủy từ năm 2003 đến năm 2006. Kể từ đó, hàng trăm ngàn gia cầm bị tiêu hủy mỗi năm.

Theo số liệu ghi nhận của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã có 127 người bị nhiễm A/H5N1 trong vòng một thập niên từ năm 2004 đến năm 2014, trong đó có 64 nạn nhân bị thiệt mạng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.