Thêm nạn nhân Việt Nam được giải cứu khỏi lao động cưỡng bức ở Phillippines về nước

2023.06.01
Thêm nạn nhân Việt Nam được giải cứu khỏi lao động cưỡng bức ở Phillippines về nước 60 công dân Việt Nam từ Philippines về nước sáng 30/5/2023.
Bộ Ngoại giao

Tính đến nay có 140 người trong tổng số 437 nạn nhân bị cưỡng bức lao động cho các đường dây lừa đảo trên mạng ở Philippines được đưa về nước.

Phó Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thắng, thông báo với truyền thông tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội vào chiều ngày 1/6 như vừa nêu.

Ông Thắng cho biết thêm Bộ Ngoại giao Việt Nam có chỉ đạo cho Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Hà Nội tại Manila tiếp tục làm việc với phía Philippines để đưa những nạn nhân còn lại về nước.

Dịp này, Phó Phát ngôn nhân Nguyễn Đức Thắng cũng nhắc lại việc Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân khi tự tìm việc ở nước ngoài cần cảnh giác với lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”…

Vào ngày 30/5 nhóm 60 người đầu tiên trong số nạn nhân như vừa nêu về đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Họ được Cục Lãnh sự phối hợp cùng các cơ quan quản lý cửa khẩu tiếp nhận, rồi bàn giao cho địa phương liên quan và thân nhân.

Vào hai ngày 4 và 5 tháng 5 vừa qua, Cảnh sát Quốc gia chống tội phạm mạng (ACG) Philippines tiến hành trấn áp hoạt động của công ty Clark Sun Valley Hub tại sáu tòa nhà là cơ sở của công ty này ở Pamganga, gần thủ đô Manila.

Tổng cộng có hơn 1.000 nạn nhân được giải cứu trong đợt truy quét và tất cả đều được xác định là nạn nhân của buôn người.

Theo Cảnh sát Philippines, những người này bị ép làm việc ít nhất 18 tiếng một ngày. Công việc hàng ngày của họ là lừa đảo trên mạng với hai dạng bao gồm: lừa đảo đầu tư giả mạo, tiền kỹ thuật số; và lừa tình.

Những người này bị ép phải tìm các “con mồi” của mình trên mạng xã hội qua các ứng dụng như hẹn hò qua Facebook, WhatsApp, Tinder. Mục tiêu là nhắm chủ yếu vào khách hàng ở Mỹ, Canada và Châu Âu.

Những người làm việc cho công ty được tuyển dụng qua Facebook, Telegram và WhatsApp. Họ được hứa mức lương từ 1.500 đến 2.000 đô la một tháng tùy thuộc về độ thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Anh của họ.

Những người được tuyển phần lớn đã tốt nghiệp đại học và đang muốn tìm công việc công sở sử dụng kỹ năng mạng xã hội.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.