Bộ Tài nguyên- Môi trường đề nghị dừng cơ chế giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh
Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cho dừng cơ chế giám sát đặc biệt đối với Formosa Hà Tĩnh, chuyển sang cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát bình thường.
Bộ TN-MT còn đề nghị chính quyền địa phương không để người dân bị kích động, lôi kéo bởi những thành phần mà theo Bộ này là ‘phản động’ trong vấn đề liên quan thảm họa môi trường biển ở địa phương. Mạng Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin ngày 8/7 như vừa nêu.
Với lập luận rằng sau hơn năm năm giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa Hà Tĩnh), Bộ TN-MT Việt Nam nhận thấy ‘sự cố môi trường biển’ tại bốn tỉnh miền Trung do công ty này gây nên hồi năm 2016 đã được khắc phục.
Formosa Hà Tĩnh bị xác định là thủ phạm xả thải gây ra thảm hoạ môi trường đó. Công ty đã đứng ra xin lỗi và đền bù 500 triệu đô-la, nhưng không trao cho nạn nhân là những người dân trực tiếp chịu thiệt hại, mà lại trao cho Chính phủ Việt Nam.
Vào ngày 30/6/2016, Chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo, công bố nguyên nhân cá chết là do chất thải gây ô nhiễm từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa vượt quá nồng độ cho phép. Nguồn thải được xả trực tiếp ra biển chứa độc tố bao gồm cyanide, phenols và hydroxide sắt tạo thành một dạng phức hợp, di chuyển vào Nam làm hải sản ở tầng đáy biển chết, là nguyên nhân gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển này.
Hơn một năm sau sau thảm họa xảy ra, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ thừa nhận sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây nên là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc bốn tỉnh miền Trung.