Ngày kỷ niệm CSCĐ, Thủ tướng Việt Nam cảnh báo về các thế lực thù địch chống Đảng
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 14/4 lên tiếng cảnh báo về hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, yêu cầu lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) phải góp phần giữ vững ổn định chính trị và xã hội. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra thông điệp này tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống CSCĐ diễn ra vào sáng ngày 14/4.
Truyền thông Nhà nước cho biết hơn 5.000 CSCĐ và dàn xe đặc chủng hiện đại phô diễn sức mạnh của CSCĐ tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần 2. Báo Nhà nước cho biết đây là lần biểu dương, phô diễn sức mạnh, trang thiết bị của lực lượng CSCĐ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh CSCĐ phát biểu tại buổi lễ, khẳng định đóng góp của lực lượng này trong kháng chiến chống Mỹ và “góp phần đập tan mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết “hoạt động tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và các thế lực thù địch cũng tăng cường hoạt động chống phá, gây bạo loạn, phá hoại, khủng bố chống lại Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên của nhân dân.”
Vì vậy, ông Chính nhấn mạnh “nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân (CAND), trong đó có lực lượng CSCĐ sẽ ngày càng nhiều hơn, nặng nề và phức tạp hơn, đồng nghĩa với việc lực lượng phải làm tốt hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”
Ngoài ra, ông Chính cũng nói đến sự tham gia của lực lượng này trong cứu nạn, phóng chống và khắc phục thảm hoạ, thiên tai, bão lũ.
Trong các vụ biểu tình của người dân tại Việt Nam các năm qua, lực lượng CSCĐ cũng được huy động để dẹp biểu tình mà điển hình là vụ biểu tình của hàng ngàn người dân chống dự luật Đặc khu hồi năm 2018 ở nhiều thành phố lớn.
Sự có mặt của lực lượng CSCĐ trong vụ cưỡng chế đất ở Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, hồi đầu năm 2020 cũng gây chú ý khi chính quyền Hà Nội huy động khoảng 3.000 cảnh sát đến cưỡng chế một khu đất tranh chấp giữa người dân và chính quyền địa phương. Vụ cưỡng chế đã khiến bốn người thiệt mạng bao gồm cụ Lê Đình Kình (84 tuổi) - một đảng viên lão thành, ba cảnh sát trong đó có hai cảnh sát cơ động.
Vụ cưỡng chế đã gây nhiều chú ý trong và ngoài nước. Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải có điều tra độc lập và minh bạch về vụ cưỡng chế này nhưng yêu cầu này không được đáp ứng.