Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Luật sư yêu cầu công an làm đúng luật trong việc lấy mẫu ADN
2022.09.30
Nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho Tịnh thất Bồng Lai (Thiền am bên bờ vũ trụ) nói họ không phản đối việc công an tỉnh Long An lấy mẫu tóc và niêm mạc miệng của những người thuộc cơ sở tu tại gia để xét nghiệm ADN mà chỉ đấu tranh đòi nhà chức trách phải làm đúng luật.
Đó là tinh thần của nhóm năm luật sư Đào Kim Lân, Trịnh Vĩnh Phúc, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Ngô Thị Hoàng Anh đối với sự việc vừa qua khi cơ quan công an tỉnh xông vào nhà ở của bà Cao Thị Cúc, cưỡng chế lấy mẫu để xét nghiệm ADN đối với những người sống ở đây, kể cả những trẻ nhỏ.
Ông Đặng Đình Mạnh- trưởng nhóm luật sư, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:
“Chúng tôi không có chủ trương hay quan điểm chống lại việc cơ quan an ninh thu thập mẫu ADN, nhất là khi đây là một trong nhiều phương pháp được Nhà nước quy định. Chúng tôi ủng hộ chứ không phản đối gì cả.
Điều quan trọng là chúng tôi yêu cầu họ thực hiện việc thu thập mẫu ADN đối với các thân chủ của chúng tôi là phải trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.”
Mạng báo Zing News ngày 29/9 đưa tin Cơ quan An ninh điều tra của Công an tỉnh Long An ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai.
Các bị hại không nêu danh tính tố cáo ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 và một số cá nhân sinh sống tại hộ bà Cao Thị Cúc có hành vi giả sư, giả trẻ mồ côi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các mạnh thường quân.
Để có căn cứ giải quyết nguồn tin về tội phạm trên, công an địa phương quyết định trưng cầu giám định ADN và tiến hành thu mẫu của 28 người sinh sống tại hộ của bà Cúc vào ngày 24/9.
Theo luật sư Mạnh, việc thu thập mẫu của Công an Long An không hợp pháp vì không có sự đồng ý của người bị lấy mẫu và không đúng đối tượng.
Ông nói rằng quyền nhân thân của một người là bất khả xâm phạm và nhà chức trách không được lấy mẫu ADN trừ phi được sự đồng ý của người đó.
Ngoài ra, công an không được phép lấy mẫu ADN của tất cả người sống trong Tịnh thất bồng lai, họ chỉ có thể làm việc này đối với những người có liên quan đến tin tố giác.
Cũng theo luật sư Mạnh, nhiều người sống ở Thiền am không liên quan đến tin tố giác, không đồng ý để lấy mẫu nhưng cũng bị ba bốn nhân viên công vụ ôm chặt người, rồi bóp họng họ ra để thu thập mẫu.
Đặc biệt, có 10 trẻ em bị lấy mẫu mà không có mặt của các nữ tu, chính là những người giám hộ chăm sóc các cháu cho dù các cháu này đòi hỏi. Ông nói:
“Các cháu bị lấy mẫu mà không có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp. Điều đó khiến việc lấy mẫu trở nên không hợp pháp và kết quả của giám định dù thế nào đi chăng nữa cũng không trở thành chứng cứ hợp pháp trong một vụ án hình sự được.”
Báo chí nhà nước trong ngày 29/9 cũng có bài quy kết cho nhóm các luật sư không liên quan đến việc cơ quan chức năng lấy mẫu, nhưng lại "kéo đến hộ bà Cao Thị Cúc đập cửa, quay phim, ghi hình và có những lời nói xuyên tạc, xúc phạm, vu khống cơ quan chức năng…”
Phản hồi về việc này luật sư Mạnh khẳng định, trừ 10 trẻ em từ 14 tháng đến 12 tuổi, tất cả người lớn trong Tịnh thất bồng lai đều đã ký hợp đồng hỗ trợ pháp lý tổng quát với nhóm luật sư trong mọi việc sau khi sáu người ở đây bị khởi tố theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự đầu năm nay.
Luật sư đến nay chỉ có thông tin về vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” nên đã làm thủ tục đăng ký bào chữa cho bảy người, còn việc điều tra hiện nay của công an Long An về tin tố giác “lừa đảo” là hoạt động tiền tố tụng điều tra về tin báo tội phạm của một vụ việc chưa được khởi tố.
Theo vị luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, chiếu theo quy định nhà chức trách địa phương phải có văn bản thông báo cho người bị tố giác (trong trường hợp này là ông Lê Tùng Vân) khi điều tra.
Do thân chủ của ông không có thông tin về việc mình bị tố giác (ai tố giác và tố giác về cái gì) nên nhóm luật sư chưa đăng ký với nhà chức trách, ông nói.
Ông cũng giải thích thêm rằng trong ngày 24/9, khi được báo về việc có khoảng 50 công an và nhân viên công vụ đến Thiền am, nhóm của ông đã đến cơ sở này.
Khi họ tới nơi thì nhân viên công vụ đã vào trong và đóng chặt cửa không cho các luật sư vào. Họ chỉ vào được bên trong khi nhà chức trách đã hoàn thành việc thu thập mẫu.
Do không liên lạc được với người bên trong nên nhóm của ông buộc phải đập cửa. Ông cho rằng việc các luật sư đập cửa và quay phim, chụp hình trong khu vực của thân chủ là hợp pháp, không bị các thân chủ than phiền gì.
Bình luận về cách đưa tin của báo chí Nhà nước, ông nói:
“Về báo chí thì có lẽ họ nhận thông tin từ một phía và họ phản ánh thông tin theo quan điểm của phía cung cấp thông tin thì chúng tôi không trách họ lắm. Tiếc rằng họ không phối kiểm với các luật sư để họ có cái nhìn khách quan về sự việc."
Luật sư Mạnh cho biết người ở Thiền am đã nhờ nhóm luật sư tư vấn cho họ trong việc làm thủ tục tố cáo hoặc khiếu nại việc họ bị cưỡng chế lấy mẫu xét nghiệm ADN cũng như khiếu nại đến cơ quan về quyền trẻ em để họ có ý kiến về việc xâm phạm quyền của các cháu bé ở đây.
Liên quan đến vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” nhóm luật sư ngày 27/9 gửi văn bản yêu cầu toà án triệu tập “bị hại” tham gia phiên toà phúc thẩm, bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), để “trình bày nội dung tố giác và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định của pháp luật.”
Theo các luật sư, việc Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa chấp thuận Đơn đề nghị vắng mặt tại phiên tòa của ông Trương Ngọc Toàn (pháp danh Thích Minh Thiện), đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An và ông Trần Ngọc Thảo là không tuân thủ quy định về tố tụng đã được quy định cụ thể và chặt chẽ của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm sáng tỏ sự thật vụ án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bị cáo.
Trong phiên sơ thẩm cuối tháng 7 vừa qua, các ông Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, và Lê Thanh Nhị Nguyên và bà Cao Thị Cúc bị kết tội với mức án từ ba năm rưỡi tới năm năm rưỡi tù giam.