Phiên toà xét xử vụ án Tịnh thất Bồng Lai “mở” đến bất ngờ
Phiên tòa xét xử sáu người thuộc nhóm tu tại gia có tên Tịnh thất Bồng Lai ở một tòa án ở tỉnh Long An hôm 20/7 được mở công khai cho công chúng theo dõi và livestream, một điều hiếm hoi có thể nói là gần như không bao giờ xảy ra đối với những người bị cáo buộc theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Điều 331 quy định các tội về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây là một trong các điều khoản về an ninh quốc gia thường được chính quyền Việt Nam áp dụng đối với những người bất đồng chính kiến.
Quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam phải bỏ điều luật mà họ cho là mơ hồ này.
Tuy nhiên, chính vì việc thường chỉ được sử dụng trong các vụ án có yếu tố chính trị, cho nên việc chính quyền tỉnh Long An sử dụng Điều 331 để truy tố những người ở Tịnh thất Bồng Lai, đã dấy lên nhiều thắc mắc trong dư luận.
Có phải vì đây không phải một phiên toà chính trị cho nên công chúng đã được tiếp cận phiên xét xử một cách dễ dàng hơn rất nhiều, so với các phiên toà chính trị thường thấy?
Trao đổi với Đài Á châu Tự do dưới điều kiện giấu tên, một luật sư có nhiều kinh nghiệm theo dõi các vụ án chính trị ở Việt Nam, cho biết các điểm khác biệt giữa phiên toà hôm nay, với các phiên toà chính trị điển hình:
“Ở phiên toà này, người dân được theo dõi một cách công khai, dễ dàng giám sát, phát hiện những sai phạm (nếu có) của cơ quan tiến hành tố tụng.
Điều này rất quan trọng, bởi vì như vậy thì thẩm phán phải thận trọng trong việc xét hỏi, đánh giá chứng cứ, tuyên án. Còn các bị cáo có cơ hội thể hiện sự oan khuất của mình trong vụ án, để người dân nắm rõ được những oan khuất mà bị cáo phải gánh chịu.
Nếu tận dụng tốt phiên toà này các luật sư có thể chỉ ra các sai sót nghiêm trọng trong điều tra, truy tố trước Toà. Luật sư cũng có thể chỉ rõ cho mọi người biết những điều bất hợp lý trong bản kết luận điều tra cáo trạng.”
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc sáu bị cáo do ông Lê Tùng Vân làm chủ mưu đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, họ bị cho là đã đăng tải nhiều bài viết, clip trên mạng xã hội Facebook và YouTube trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, nhằm tuyên truyền, kích động xúc phạm uy tín của cơ quan Công an huyện Đức Hoà, xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ).
Các luật sư đại diện cho các bị cáo đã phản bác cáo buộc này và cho rằng một video clip được sử dụng làm chứng cứ là giả tạo.
Đây là phiên toà hiếm hoi được tổ chức phát sóng trực tiếp trên mạng internet, các phóng viên của các báo trong nước cũng được tham dự và cập nhật trực tiếp, một màn hình và hệ thống âm thanh cũng được bố trí ở một nhà văn hoá gần đó để người dân được theo dõi.
Thông thường, các phiên toà có bị cáo bị cáo buộc theo Điều 331 về mặt nguyên tắc là được mở công khai, nhưng trên thực tế thì người dân rất khó tiếp cận, thậm chí đến cả người thân của bị cáo cũng khó tham dự.
Là một người từng bị truy tố và đưa ra xét xử theo điều 331, ông Chung Hoàng Chương ở Cần Thơ, cho Đài Á châu Tự do biết bản thân phải đấu tranh để vợ của ông được tham dự phiên toà:
“Hôm xét xử thì cô thư ký toà nói là có gửi thư tới nhà, nhưng tôi không thấy bà xã đến dự, sau đó tôi mới hỏi thì chị nói rằng không biết vì lý do tại sao nhưng thư thì đã gửi rồi. Tôi nói là đã cho số điện thoại của bà xã rồi mà tại sao không gọi, thì chị nói là thôi bây giờ cũng trễ rồi, nên tiến hành luôn chứ gọi thì không kịp. Thì tôi mới nói là nếu vậy thì tôi không tham gia phiên toà vì nếu xử mà không có gia đình, bạn bè chứng kiến thì đâu có được.”
Ông Chương cho biết sau khi cương quyết yêu cầu gọi người nhà tới tham dự phiên toà thì phía toà án đã đồng ý, nhưng cuối cùng cũng chỉ có vợ của ông là người duy nhất được chứng kiến.
Mặc dù phiên toà xét xử các bị cáo của Tịnh thất Bồng Lai có nhiều điểm được luật sư cho là tích cực so với các phiên toà chính trị, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phiên xét xử hôm nay không tồn tại những điểm tiêu cực.
Một trong số đó là thông tin riêng tư của các bị cáo không được bảo vệ. Vị luật sư giấu tên cho hay:
“Việc đời tư các bị cáo được đăng tải, livestream khiến cho thông tin cá nhân của họ không được bảo mật, rồi trở thành con mồi cho giới truyền thông. Toà án là cơ quan xét xử, có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, việc để cho các YouTuber thoải mái livestream bình luận không khác gì tường thuật bóng đá làm người ta cho rằng tính chất cao cả của xét xử đã không được xem trọng.”
Thêm nữa, vị luật sư này cũng cho rằng với môi trường báo chí ở Việt Nam, khi truyền thông nhà nước độc quyền việc đưa tin những sự việc như thế này, thì rất dễ dẫn đến tình trạng tuyên truyền, định hướng, dắt mũi dư luận. Và đôi khi là ảnh hưởng đến phán quyết của thẩm phán.