Người dân kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa bất chấp sự ngăn cản của chính quyền

RFA
2019.01.19
paracel2019a Tượng đài Lý Thái Tổ hôm 19/1/2019: Người dân Hà Nội tưởng niệm các chiến sĩ tử trận trong hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc năm 1974
Courtesy FB Dũng Trương

Khoảng chưa đến 20 người dân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí MInh hôm 19/1 đã tổ chức các lễ tưởng niệm nhỏ những chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã tử trận trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa vào năm 1974 trong trận hải chiến với Trung Quốc, bất chấp những ngăn cản từ chính quyền.

Tại Hà Nội, 13 người chia làm hai nhóm đã tới tượng đài vua Lý Thái Tổ ở trung tâm thành phố để thắp hương tưởng niệm 74 chiến sĩ đã ngã xuống.

Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 4 người thuộc câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đến được tượng Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm.

Trước đó, một số facebookers và các nhà hoạt động cho đài Á Châu Tự Do biết họ đã bị an ninh ngăn chặn không cho đi ra ngoài để làm lễ kỷ niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa. Có người cho biết họ bị an ninh gọi điện trực tiếp, khuyên không nên đi, có người cho biết họ bị an ninh canh gác trước cửa nhà mấy ngày liền.

Từ Hà Nội, facebooker Lã Việt Dũng, người đã tìm cách đến được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương vào ngày 19/1 cho Đài Á Châu Tự Do biết: “Theo mình thấy, thứ nhất đây là một nỗi sợ hãi vô cớ của chính quyền. Họ sợ hãi đến mức mà thấy người dân tụ tập ở đâu là họ tìm cách ngăn cản. Cái thứ hai là những vấn đề đẩ động đến Trung Quốc họ đều tìm cách ngăn cản và né tránh.”

Từ vài năm trở lại đây, nhiều người dân Việt Nam hàng năm đều tổ chức các buổi tưởng niệm các cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc như hải chiến Hoàng Sa năm 1974, hải chiến Trường Sa năm 1988 và cuộc chiến Biên giới 1979. Tuy nhiên, các buổi tưởng niệm này thường bị công an, an ninh tìm cách ngăn cản.

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân cũng thường bị ngăn cản, có người thậm chí bị bắt giữ, truy tố với các tội danh như gây rối trật tự công cộng hay chống người thi hành công vụ, điển hình như trong các cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu của hàng ngàn người dân vào tháng 6/2018. Người dân lo ngại dự luật sẽ cho phép người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam.

Theo ông Trương Dũng, một người dân ở Hà Nội đã đến tượng đài vua Lý Thái Tổ hôm 19/1, ông đã bị một nhân viên an ninh tấn công.

Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn có tranh chấp về chủ quyền các đảo ở Biển Đông. Trung Quốc đã gây chiến và chiếm Hoàng Sa từ Việt Nam vào năm 1974 và chiếm Gạc Ma ở Trường Sa vào năm 1988.

Một vài năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam đã cho phép báo chí đăng một số bài viết về cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, tuy nhiên hiếm có báo nào dám nói đến vai trò của Việt Nam Cộng Hoà trong việc bảo vệ quần đảo này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.