Tổng thống Obama đến Hà Nội

RFA
2016.05.22
000_B29DH.jpg Tổng thống Mỹ Barack Obama rời khỏi Air Force One sau khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào ngày 22 Tháng 5 năm 2016.
AFP PHOTO

Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đến Hà Nội vào lúc 9:32 tối ngày 22 tháng 5 năm 2016 (giờ địa phương), khởi đầu chuyến viếng thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày.

Theo chương trình được các viên chức Nhà Trắng nói với báo chí, sáng nay Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ dự buổi lễ đón tiếp, trước khi hội đàm cùng Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang về nhiều đề tài khác nhau, trong đó có cả tình hình an ninh khu vực và quốc tế. Sau hội đàm, 2 vị nguyên thủ sẽ có cuộc họp báo.

Cũng ngày hôm nay, Tổng Thống Obama sẽ gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam, gặp Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc hồi 1975, ông Obama là vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 ghé thăm Việt Nam. Hai vị tổng thống Mỹ khác cũng đã đến Hà Nội là ông Bill Clinton hồi năm 2000, và ông George W. Bush hồi năm 2008.

Bên cạnh những hoạt động mang tính cách chính phủ và chính phủ, Tổng Thống Hoa Kỳ còn dự kiến gặp gỡ thành viên xã hội dân sự, tuy không rõ là có bao gồm các nhóm xã hội dân sự tự phát hay không.

Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng thống Barack Obama sẽ có bài phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ, gặp mặt và nói chuyện với doanh nhân, sinh viên tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế.

Sau đó, Tổng thống Obama sẽ đến Thành Phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc với thành viên Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Những hoạt động này chứng tỏ nghị trình Việt Nam của Tổng thống Barack Obama chú trọng tới phương cách để tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, nhân dân với nhân dân, an ninh, nhân quyền cùng các vấn đề khu vực và thế giới.

Chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang xảy ra ở Biển Đông, vùng biển đang tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2009, Tổng Thống Obama quyết định thực hiện chính sách chuyển trục về Châu Á, nhiều lần nói Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, đồng thời ông cũng nhiều lần khẳng định sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại đây là điều cần thiết phải làm để bảo vệ ổn định và hòa bình cho vùng đất huyết mạch của nền kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu.

Đối với Trung Quốc, Tổng Thống Obama và các viên chức cao cấp trong chính phủ do ông lãnh đạo cũng thường xuyên lên tiếng phản đối chính sách quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh đang thực hiện. Bên cạnh những lời phản đối đó, Hoa Kỳ đã nhiều lần đưa tàu chiến và máy bay thám thính bay sát những khu vực đảo Bắc Kinh tự nhận chủ quyền thuộc về họ.

Căng thẳng Biển Đông cộng với mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dẫn đến câu hỏi lớn được đưa ra tại Washington D.C. trước khi Tổng Thống Obama lên đường đi Hà Nội. Câu hỏi này là liệu ông Obama có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Việt Nam hay không.

Trước khi Air Force One cất cánh hồi trưa Thứ Bảy vừa rồi, có những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng Tổng Thống Obama sẽ loan báo quyết định bãi bỏ cấm vận, nhưng đến giờ vẫn chưa rõ ở mức độ nào, tức chỉ bãi bỏ một phần hay sẽ dỡ bỏ hoàn toàn.

Hai ngày trước đây, một nhà ngoại giao Châu Á yêu cầu không nêu tên nói với Đài Á Châu Tự Do chúng tôi rằng theo ông biết, Tổng Thống Obama sẽ loan báo dỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí đối với Việt Nam, nhưng với một số điều kiện đi kèm.

Nhà ngoại giao Châu Á nói tiếp điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ từng phần, bãi bỏ tới đâu, ở mức độ nào thì tùy thuộc vào thiện chí của phía Việt Nam.

Trước ngày Tổng Thống Hoa Kỳ lên đường sang thăm Việt Nam, một số vị dân cử Dân Chủ lẫn Cộng Hòa cùng với các tổ chức tranh đấu, bảo vệ quyền làm người đã lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Obama đừng vội bãi bỏ cấm vận võ khí, cho tới khi Việt Nam cải tiến tình trạng nhân quyền.

Những lá thư gửi cho Nhà Trắng đều nhắc đến sự kiện vẫn còn những nhà tranh đấu ôn hòa bị công an Việt Nam bắt giữ, bị bỏ tù, quản chế, kêu gọi Tổng Thống Obama nên đòi hỏi Hà Nội tức khắc trả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm.

Thứ Sáu tuần trước, Hà Nội đã trả tự do cho một nhà tranh đấu nổi tiếng là Linh Mục Nguyễn Văn Lý, và điều này được nhiều người bình phẩm, gọi là món quà của Đảng Cộng Sản Việt Nam dành cho ông Obama trước khi ông đến Việt Nam.

Bên cạnh việc trả tự do cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi cũng được biết là nhà nước Việt Nam cũng đề nghị thẳng với một số tù nhân lương tâm, nói sẽ cho họ ra khỏi trại giam nhưng với điều kiện phải đồng ý rời Việt Nam, sang Hoa Kỳ định cư.

Ít nhất 2 trường hợp được giới thạo tin ở Washington nói đến, là trường hợp của anh Trần Huỳnh Duy Thức và trường hợp của anh Nguyễn Văn Đài. Cả 2 nhân vật này đều từ chối đề nghị của phía công an, và anh Trần Huỳnh Duy Thức còn tuyên bố sẽ tuyệt thực để phản đối hành động mà công an đối xử với ông trong tù.

Trong thư đề ngày 19 tháng Năm năm 2016 gửi Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Brad Adams, Giám Đốc Khu Vực Châu Á của Human Rights Watch nói rõ Tổng Thống Obama phải cương quyết đòi hỏi Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động ôn hòa, cũng như đòi hỏi Việt Nam không được sách nhiễu những nhà tranh đấu và phải chấm dứt cách hành xử buộc tù nhân lương tâm phải sống lưu vong.

Anh Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang thụ án 16 năm tù với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Anh Nguyễn Văn Đài bị bắt từ giữa tháng Mười Hai năm ngoái, đến giờ thân nhân vẫn chưa biết anh đang bị giam giữ ở đâu.

Chuyên cơ Air Force One chở Tổng Thống Hoa Kỳ hạ cánh ở phi trường Nội Bài, Hà Nội, chỉ ít giờ đồng hồ sau khi cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp vừa mới kết thúc.

Tin chúng tôi ghi nhận được cho hay cuộc đếm phiếu đã bắt đầu từ lúc 7 giờ tối chủ nhật, ngày 22 tháng 5, tức ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa.

Kết quả chính thức sẽ được công bố trễ nhất là 20 ngày sau đó.

Được chú ý đến nhiều nhất là cuộc bầu chọn 500 đại biểu quốc hội trong số 870 ứng cử viên, tất cả đều được đảng đưa ra tranh cử hay chấp thuận cho ghi danh tranh cử. Số ứng cử viên độc lập chỉ có 11 người.

Như thường lệ, truyền thông Việt Nam đồng loạt đưa tin nói tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao, tất cả các tình thành đều ở mức 90% trở lên.

Một số nhà hoạt động mà Ban Việt Ngữ chúng tôi tiếp xúc được nói rằng họ tẩy chay bầu cử, không chấp nhận lối “đảng cử dân bầu”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.