Nhà báo Phạm Đoan Trang được gặp gia đình lần đầu tiên sau phiên tòa phúc thẩm

2022.10.17
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Nhà báo Phạm Đoan Trang được gặp gia đình lần đầu tiên sau phiên tòa phúc thẩm Nhà báo Phạm Đoan Trang
CPJ/Paul Mooney

Gia đình nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang vừa có chuyến thăm gặp bà lần đầu tiên kể từ khi bà được chuyển đến trại giam An Phước, Bình Dương vào ngày 1/10, gần hai tháng sau khi toà cấp cao Hà Nội giữ nguyên mức án chín năm tù với cáo buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên phúc thẩm diễn ra hồi tháng 8 vừa qua.

Trong chuyến thăm gặp hôm 12/10 tại trại giam An Phước còn có bà Phạm Thị Lân, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, người đang thụ án 11 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Hôm 17/10, chúng tôi liên lạc với bà Bùi Thiện Căn, mẹ của nhà báo Phạm Đoan Trang để hỏi về chuyến thăm gặp nhưng không liên lạc được. Tuy nhiên, vợ của nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, bà Phạm Thị Lân cho biết:

Sau khi thăm gặp ra thì thấy gia đình nhà Đoan Trang cũng phấn khởi, được gửi hết đồ vì gia đình cũng đem rất nhiều đồ, lần đầu mà. Rồi cũng trò chuyện là Đoan Trang thì sức khỏe có vẻ không ổn, chân thì sưng phù, gia đình mua dép vào nhưng mà không đi được nhưng cũng được cán bộ người ta chở ra gặp gia đình xong ta lại chở vào".

Cũng theo bà Lân, gia đình nhà báo Phạm Đoan Trang cho hay việc chuyển bà Trang về trại giam An Phước gia đình không được thông báo:

"Gia đình bảo là Đoan Trang chuyển từ mùng 1/10/2022 về trại giam An Phước, gia đình cũng không được thông báo, người nhà vào trại số 1 Hỏa Lò (Hà Nội) hỏi thì họ mới bảo là chuyển từ hôm 1/10".

Trong chuyến thăm gặp lần này, vợ nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ cho hay sức khoẻ chồng bà, blogger Nguyễn Tường Thụy vẫn không khá hơn những lần thăm gặp trước:

"Anh có nói rằng là bệnh xương khớp của anh bây giờ nó đau thường xuyên, nhất là cái cổ tay trái khi bị bắt là người ta bẻ tay lấy mật khẩu nên bây giờ nó đau. Còn anh thì bị cao huyết áp, uống thuốc thường xuyên, nếu mà dừng thuốc thì nó lại bị huyết áp tăng lên. Nhưng mà tôi lo nhất là cái bệnh đột quỵ, anh Thụy đã từng đột quỵ năm 2015 mà bây giờ trong điều kiện trong nhà tù nếu như bức xúc về tinh thần mạch, bệnh đột quỵ rất là dễ tái lại cho nên tôi lo nhất là cái bệnh đấy".

Bà Lân đồng thời cho biết, mặc dù cán bộ trại giam An Phước không làm khó dễ gia đình bà vào mỗi đợt thăm gặp người thân nhưng hầu như thư từ của ông Thuỵ gửi cho bà đều bị trại giam giữ lại, bà nói:

"Có những cái thư chồng tôi gửi cho tôi nhưng mà họ cũng không đưa, họ bảo cái thư này không đưa được nhưng mà tôi muốn đọc. Tôi bảo không giao cho tôi thì cho tôi đọc nội dung, tôi không mang ra ngoài nhưng họ cũng không cho đọc."

Ông Nguyễn Tường Thuỵ (70 tuổi) - một blogger của Đài Á Châu  Tự Do - bị bắt giữa năm 2020 cùng với Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập là ông Phạm Chí Dũng và ông Lê Hữu Minh Tuấn - Biên tập viên của trang Việt Nam Thời báo thuộc Hội.

Đầu năm 2021, trong một phiên toà chỉ kéo dài chưa đầy một ngày, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết án ông Dũng 15 năm tù giam, còn ông Thuỵ và ông Tuấn đều bị án 11 năm. Cả ba còn bị quản chế ba năm sau khi mãn hạn tù.

Nhà báo Phạm Đoan Trang (44 tuổi) từng làm phóng viên và cộng tác cho các tờ báo Nhà nước Việt Nam. Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.

Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.

Vì các hoạt động nhân quyền và các bài viết của mình, bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
17/10/2022 10:52

Ôn cố, tri tân, tiến tơi tương lai.

Ôn cố, tri tân... Giải Nobel Hòa bình 1973... tiến tới tương lai... Giải Nobel Hòa bình 20 23.

Đồng bào ta, khắp nơi, khắp nước, khắp thế giới tự do và các tổ chức nhân quyền quốc tế, đồng tâm, đồng hành, đồng thanh

Đứng Lên, Lên Tiếng, Lớn Tiếng... vận động Giải Nobel Hòa bình 2023 cho tập thể 300 anh hùng, hào kiệt, Tù binh Lương tâm Việt Nam...Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Văn Hóa, Truong Duy Nhất, Phạm Chí Dũng, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Cấn thị Thêu, Nguyễn thị Tâm... bị tù đày, tra tấn, khủng bố, đàn áp đã bao năm qua trong các ngục tù vô nhân đạo, vô nhân tình, vô nhân tính của tập đoàn nhà nước cờ đỏ sao vàng Việt Cộng là tập đoàn đảng cờ đỏ búa liềm Việt Cộng, độc đảng, độc tài, độc địa... vì đã can đảm thực thi, tranh đấu... phản biện, phản đối, phản kháng... bất tuân,
bất chấp, bất khuất... bất bạo động, bất hợp tác, bất tín nhiệm... cho tự do, dân chủ, dân quyền, nhân quyền cho Việt Nam.

Đứng Lên, Lên Tiếng, Lớn Tiếng... ôn lại 50 năm Giải Nobel Hòa bình 1973 cho Kissinger và Lê Đức Thọ, 50 năm chiến tranh đã ra đi, nhưng hòa bình chưa tới. Hòa bình của Công lý, Công lý của Hòa bình chưa đến với toàn dân Việt Nam, với đất nước Việt Nam.