Phản đối thu phí BOT An Sương, An Lạc, nhóm tài xế bị giam lỏng hơn 24 giờ
2019.01.15
Ít nhất 4 tài xế gồm các anh Trương Châu Hữu Danh, Huỳnh Long, chị Phương và một người nữa bị giam lỏng ở con đường vắng cách trạm BOT An Sương, An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM 50m hơn 24 tiếng đồng hồ sau khi không đồng ý mua vé qua trạm này.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do vào trưa ngày 15/1/2019, ông Huỳnh Long, một trong những tài xế đang phải làm việc với công an cho biết lý do phản đối trạm này như sau.
“Cái BOT An Sương, An Lạc theo như tôi và các bạn đồng nghiệp tôi được biết thì cái BOT này đã hết hạn thu phí theo kết luận của thanh tra chính phủ rồi và cái nguyên nhân tiếp theo nữa là một dự án rất mập mờ, được chỉ định thầu và cũng không thông báo cho người dân được biết đó là dự án gì.
Cho nên là trong kết luận của thanh tra chính phủ cũng nêu rõ những cái dự án mà họ làm thêm cũng sai về cái hình thức, sai về việc không cung cấp cho người dân biết người dân phải trả tiền như thế nào mà họ âm thầm họ làm.
Những cái đó đã có kết luận của thanh tra chính phủ thì các đồng nghiệp, các tài xế biết được nên đã có phản ứng.”
Cái BOT An Sương, An Lạc theo như tôi và các bạn đồng nghiệp tôi được biết thì cái BOT này đã hết hạn thu phí theo kết luận của thanh tra chính phủ rồi và cái nguyên nhân tiếp theo nữa là một dự án rất mập mờ, được chỉ định thầu và cũng không thông báo cho người dân được biết đó là dự án gì - Huỳnh Long
Trưa 14/1/2019, một số tài xế xe ô tô không mua vé qua trạm thu phí BOT An Sương, An Lạc để phản đối việc trạm đã hết hạn thu phí nhưng chủ đầu tư dự án là công ty IDICO vẫn còn thu tiền của người dân.
Ít nhất 3 xe bị cẩu về con đường vắng cách trạm thu phí 50 m và bị công an, bảo vệ dân phố dựng hàng rào kẽm gai ngăn không cho xe chạy ra.
Ông Huỳnh Long cho hay ngay tối 14/1, từ chỗ bị giam lỏng ông ra khỏi xe đi vệ sinh, tuy nhiên ngay lập tức bị những người mặc thường phục, đeo khẩu trang áp chế và chở đi nhiều nơi trước khi bỏ tại một nơi ở quận 12 vào sáng hôm sau.
Công an quận Bình Tân chiều ngày 15/1 lập biên bản vi phạm hành chính đối với các tài xế với lý do là họ đã “dừng xe trái quy định gây ùn tắc giao thông, không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ, quy định tại điểm D, khoản 4 điều 5 tại Nghị định 46/2016/NĐCP ngày 26/5/2016 và điểm A, khoản 2 điều 20 Nghị định 167/2013 NĐCP của Chính phủ”, tuy nhiên những người này không đồng ý.
Theo ông Huỳnh Long thì người dân cũng có mong muốn trạm thu phí ngay cửa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh phải bị dẹp bỏ nhưng phải tùy vào cơ quan chức năng.
“Về cá nhân tôi, tôi cũng mong muốn sẽ mãi mãi không đóng tiền đối với trạm thu phí đã hết hạn này, nhưng mà cái vấn đề mà họ dẹp trạm hay không, do các cơ quan có thực hiện đúng trong kết luận của thanh tra chính phủ hay không, việc này nó cũng nằm trong mong muốn của người dân, nhưng nó ngoài tầm kiểm soát của người dân như chúng tôi,” ông Long chia sẻ.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh, một trong những tài xế phản đối trạm thu phí bị giam lỏng, phát trực tiếp diễn biến sự việc trên trang fanpage của mình từ trưa ngày 14/1/2019 thu hút hàng chục ngàn người theo dõi cùng lúc.
Trạm thu phí BOT An Sương, An Lạc thu phí cho dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Quốc lộ 1 từ An Sương đến An Lạc có chiều dài 14 km, mở rộng 6 nút đồng mức và xây dựng bổ sung 6 cây cầu trên tuyến với tổng mức đầu tư là 831,639 tỉ đồng.
Dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng vào ngày 31/12/2004 và dự tính hết hạn thu phí vào ngày 31/1/2017 sau hơn 12 năm thu phí.
Tuy vậy, sau đó trạm này vẫn tiếp tục thu phí của người dân dự kiến đến năm 2033, viện dẫn rằng họ đã xây thêm 4 cây cầu vượt trên tuyến đường này trong các năm 2013, 2014 và 2017.