Đồng ý tăng vốn chủ đầu tư để giải cứu dự án nhiệt điện Thái Bình 2
2019.07.23
Trong ngày 23 tháng 7, cuộc họp để giải cứu dự án nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư khoảng 41.799 tỉ đã diễn ra với sự tham gia của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên và chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào cùng ngày.
Hiện dự án đạt 84% khối lượng, tiền thanh toán 60%, công nhân chỉ còn 300 người vì không có tiền trả lương, còn cán bộ kỹ thuật thì hoang mang và xin nghỉ việc gần hết, ông Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc họp.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đang vướng khó khăn do tổng thầu EPC là Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan đến nhiều sai phạm và nhiều lãnh đạo của PVC đã bị khởi tố khiến các ngân hàng cắt tín dụng không cho vay.
Không có dự án nào của PVC không có án cả, nhưng không thể thay PVC vì sẽ nguy hiểm hơn, ông Thanh trả lời với truyền thông trong nước.
Theo ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công thương nếu không giải cứu dự án kịp thời thì nguy cơ thiếu điện sẽ diễn ra. Ông giải thích lý do vì dự án khi đi vào vận hành sẽ sản xuất 7 tỉ kWh điện và sẽ giải quyết được bài toán thiếu điện theo dự kiến của ngành điện (năm 2021 Việt Nam thiếu 6,6 tỉ kWh điện). Do đó ông kết luận nếu dự án chậm vận hành 1 năm sẽ mất thêm 35.000 tỉ đồng.
Đồng tình với các ý kiến trên, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đồng ý với việc tăng thêm vốn chủ đầu tư cho dự án để dự án có thể tiếp tục được triển khai. Song ông lưu ý cần đánh giá lại năng lực nhà thầu; bổ sung thêm đơn vị có năng lực để sớm hoàn thành dự án.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận thống nhất ý kiến tăng thêm vốn của chủ đầu tư để tiếp tục triển khai các hạng mục dự án, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Tuy nhiên Bộ trưởng yêu cầu PVN phải đảm bảo năm 2020 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên nhưng vẫn đảm bảo tổng mức đầu tư không thay đổi.
Khẳng định trước cuộc họp, ông Trần Sỹ Thanh quả quyết sẽ chịu trách nhiệm với Bộ Chính Trị và Trung ương và đề nghị chính phủ đồng ý đề xuất tăng thêm vốn đầu tư cho dự án của tập đoàn PVN.
Được biết, dự án nhiệt điện thái bình 2 có quy mô công suất 1.200 MW thuộc trung tâm điện lực Thái Bình. PVC được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án từng do ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch. Và trong quá trình thực hiện dự án này ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái qui định để PVC sử dụng hơn 1 nghìn tỉ đồng sai mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỉ đồng.
Ngày 24 tháng 10 năm 2007, Bộ Công thương đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể Trung tâm điện lực Thái Bình gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2. Sau đó Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm đầu mối đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Với ý định xây dựng PVC trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, cuối năm 2007 ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc và sau là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ PVC.
Liên quan đến những sai phạm này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù về tội cố ý làm trái, ông Trịnh Xuân Thanh tù chung thân về hai tội tham ô và cố ý làm trái.