Samsung dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam

RFA
2020.08.05
000_1HV0BV.jpg Gian hàng của Samsung tại hội chợ Thế giới Di động tại Thượng Hải vào ngày 26 tháng 6 năm 2019.
AFP

Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) có kế hoạch đóng cửa nhà máy sản xuất máy tính cá nhân tại Trung Quốc và chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Tờ Nikkei Asian Review đưa tin hôm 4 tháng 8 năm 2020.

Theo đó, nhà máy ở thành phố Tô Châu (Tô Châu Computer) sẽ đóng cửa ngay trong tháng này. Trước đó, Samsung đã thông báo cho nhân viên về việc nhà máy ngừng hoạt động và cắt giảm việc làm chính thức vào cuối tháng 7. Lý do được Samsung Electronics đưa ra là dựa trên nhu cầu tìm lợi thế về chi phí, cụ thể là cắt giảm chi phí và duy trì khả năng cạnh tranh trong mảng kinh doanh máy tính cá nhân.

Tô Châu Computer từng có tổng số nhân sự làm việc lên đến 6.500 người. Số nhân viên hiện tại đã giảm xuống còn khoảng 1.700.

Theo công ty nghiên cứu Gartner, hiện Tập đoàn Lenovo của Trung Quốc nắm giữ thị phần máy tính hàng đầu thế giới ở mức 24,1%, tiếp theo là HP của Mỹ với 22,2%. Thị phần của Samsung hiện thấp hơn nhiều so với các hãng khác tại Mỹ như Dell và Apple hay tại Đài Loan như Acer và Asus.

Tô Châu Computer là nhà máy cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc, được thành lập năm 2002 như là một trung tâm lắp ráp máy tính cá nhân. Sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy này được xuất khẩu sang Hàn Quốc, thị trường Bắc Mỹ và ngay tại Trung Quốc.

Tháng 9 năm 2019, Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng tại Trung Quốc, nhà máy Huệ Châu, đồng thời đẩy mạnh sản xuất tại cơ sở mới ở Ấn Độ và Việt Nam.

Cuối năm 2018, Samsung cũng đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc do doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất điện thoại giá rẻ nội địa Hoa Lục ngày càng tăng cao. Nhà máy Huệ Châu là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh duy nhất của Samsung tại Trung Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.