Bảy tổ chức kêu gọi VN minh bạch nguyên nhân cái chết của năm tù nhân chính trị
2023.01.31
Bảy tổ chức nhân quyền, nghề nghiệp và chính trị trong và ngoài nước cùng ký thông cáo chung công bố trong ngày 30/1, nêu lên tình trạng đối xử vô nhân đạo của nhà tù ở Việt Nam đối với tù nhân và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng để nhà nước độc đảng ở Đông Nam Á cải thiện chế độ giam giữ.
Các tổ chức yêu cầu chính quyền Việt Nam phải minh bạch hóa nguyên nhân cái chết của năm trường hợp tù nhân chính trị, tôn giáo trong trại giam, và bồi thường tương xứng cho gia đình các nạn nhân, đồng thời cải thiện điều kiện giam giữ trong các trại tạm giam và nhà tù trên toàn quốc.
Theo thông cáo, các tổ chức lo ngại về sức khoẻ và mạng sống của các tù nhân lương tâm đang còn thụ án trong các nhà tù khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là sau cái chết của mục sư Tin lành Đinh Diêm, người vừa qua đời hôm 5/1/2023 ở Trại giam số 6, Nghệ An.
Ngoài ra còn có bốn trường hợp khác được ghi nhận như nhà giáo Đào Quang Thực qua đời năm 2019, nhà báo tự do Đỗ Công Đương mất năm 2022, hai tù nhân của tổ chức Phật giáo Ân Đàn Đại Đạo (Công án Bia Sơn) là ông Phan Văn Thu qua đời năm 2022 ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), và ông Đoàn Đình Nam ở Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 2019.
Tra tấn và biệt giam
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hợp của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, một trong bảy tổ chức ký tên, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết tù nhân lương tâm ở Việt Nam bị giam giữ trong điều kiện vô cùng hà khắc: bị đối xử vô nhân đạo như nhục hình và biệt giam, đày đi những trại giam xa gia đình, bị buộc lao động khổ sai, chế độ dinh dưỡng tồi tàn, không được khám chữa bệnh kịp thời và đầy đủ.
“Đối với tù nhân nói chung, việc áp dụng biện pháp nhục hình là một chính sách nhằm khuất phục tù nhân của cán bộ coi tù.
Họ có thể dùng bất cứ nhục hình nào, cả tâm lý và thể lý mà họ có thể tưởng tượng ra,” ông Tùng khẳng định.
Ông Tùng là người chủ trì viết báo cáo hàng năm về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội cho tổ chức nhân quyền có trụ sở tại California cho rằng, mặc dù phải làm việc vất vả, các tù nhân phải sống trong điều kiện rất tồi tề về mọi mặt, từ nơi ở, thực phẩm, đến vệ sinh y tế.
Giám thị Trại giam số 6 ngày 5/1 thông báo cho gia đình mục sư Đinh Diêm biết ông đã qua đời khi đang thụ án, tuy nhiên ngày hôm sau khi người thân lên nhà xác phát hiện các dấu vết bất thường trên thi thể.
Bà Đinh Thị Xa, vợ của tù nhân tôn giáo này cho biết, lần thăm gặp trước đó sức khỏe của ông bình thường, tuy nhiên ông có nhắn ra báo động về việc ông bị phân biệt đối xử trong trại và có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Bà Xa nói qua điện thoại:
"Khi mình thăm gặp rất là hạn chế trong chuyện đó, không dám nói (về tình hình trong trại giam - PV), khi ông nói thẳng ra là họ (cán bộ quản giáo - PV) đập bàn, không cho nói.
Ông có nói là bị đối xử phân biệt rất khắc nghiệt, ông chỉ báo được bấy nhiêu thôi và nhờ Hội thánh Chúa và mọi người cầu nguyện cho ông được bình an."
Theo bà Xa, cán bộ quản giáo mai táng cho mục sư Tin Lành ngay tại nghĩa trang của Trại giam số 6 và gia đình được thông báo đến ba năm sau mới được nhận hài cốt của người thân.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (tức Hải Điếu cày), người từng trải qua sáu năm trong các nhà tù khác nhau của Việt Nam cho biết, trong thời hạn điều tra, người tù chính trị không được gặp thân nhân và không được tiếp xúc với luật sư, trong khi phần lớn trong số họ bị biệt giam, cách ly với thế giới bên ngoài.
Chính vì vậy, theo ông Hải những tù nhân bất đồng chính kiến rất dễ là đối tượng của hành vi tra tấn về thể xác và tinh thần.
“Họ (tù nhân lương tâm- PV) bị nhốt trong khu an ninh- mối liên hệ giữa khu an ninh với bên ngoài chỉ qua quản giáo hoặc tù hình sự.
Khu an ninh bị cách ly với phần còn lại của nhà tù, nó trở thành nhà tù trong nhà tù.”
Vẫn theo ông Hải, trại giam của Việt Nam còn buộc tù nhân lương tâm phải nhận tội, và tìm mọi biện pháp để khuất phục họ, kể cả giam trong buồng kỷ luật hoặc sử dụng tù hình sự để đánh đập và khủng bố họ.
Bị đày đi xa gia đình
Sau khi đã bị kết án bằng những bản án nặng nề trong các phiên tòa thiếu minh bạch, tù nhân lương tâm còn bị đưa đi thi hành án cách rất xa gia đình, người ở miền Bắc bị đưa vào giam ở miền Trung hoặc miền Nam trong khi người ở miền Nam bị đưa đi tới các khu vực khác cách xa cả ngàn cây số.
Mục tiêu của nhà chức trách Việt Nam là làm khó cho gia đình họ trong việc thăm nuôi và gây tốn kém, khiến nhiều gia đình không thể kham nổi trong thời gian dài và nhiều tù nhân lương tâm không được thăm gặp và tiếp tế thường xuyên.
Gần đây, ngay sau khi mãn hạn tù, hai cựu tù nhân lương tâm Lê Thị Bình và Đặng Thị Huệ đã phản ánh việc tù nhân nam và nữ bị buộc lao động khổ sai ở trong trại giam An Phước (Bình Dương), Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá), và Trại giam Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình).
Nếu tù nhân lương tâm nào từ chối lao động, họ sẽ bị giam trong phòng kín và ít khi được đi ra ngoài để tránh không khí ngột ngạt trong phòng giam.
Bà Đặng Thị Huệ vừa ra tù trong tháng 1/2023, bà là người đấu tranh không khoan nhượng với các trạm thu phí BOT đặt không đúng vị trí, cho biết ở Trại giam số 5 có hàng ngàn tù nhân nhưng đội ngũ y tế chỉ có vài người với chuyên môn hạn chế và trang thiết bị lạc hậu.
Chỉ có không quá hai loại thuốc giảm đau để điều trị cho tất cả loại bệnh tật, và do vậy, nhiều tù nhân không khỏi bệnh và chỉ được đưa đi chữa trị ở bệnh viện khi đã quá muộn.
Trong thông cáo về năm trường hợp tử vong bất thường của các tù chính trị, bảy tổ chức yêu cầu Chính quyền Việt Nam minh bạch hóa các trường hợp chết bí ẩn ở trại giam gần đây và bồi thường tương xứng cho gia đình các nạn nhân, đồng thời cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân trong các trại tạm giam và nhà tù trên toàn quốc.
Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ đối với những vi phạm nhân quyền của Hà Nội, và sử dụng các đòn bẩy kinh tế và thương mại để buộc Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền, thông cáo nói.
Phóng viên gọi điện thoại và gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị họ bình luận về nội dung của thông cáo báo chí của bảy tổ chức nêu trên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Việt Nam đang giam giữ ít nhất 150 tù nhân chính trị, Hà Nội luôn nói Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ có người bị cầm tù vì vi phạm luật pháp.