Bổ sung, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam

RFA
2021.10.07
Bổ sung, đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam Một số cựu cán bộ bị đề nghị truy tố liên quan vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM)
Courtesy of Công an Nhân dân

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) vừa đề nghị truy tố tổng cộng 17 người có liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Cổ phần Thương mại Vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan.

Truyền thông Nhà nước hôm 7/10 cho biết có thêm 11 người trong nhóm bị đề nghị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285, Bộ Luật Hình sự 1999.

11 bị can gồm các ông bà: Ngô Văn Tuyển, nguyên thành viên HĐQT VEAM; Bùi Quốc Việt, nguyên Trưởng phòng thị trường kinh doanh VEAM; Ngô Văn Thịu, Trưởng phòng Thị trường kinh doanh VEAM; Nguyễn Thị Thu Hương, nguyên Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng Vetranco; Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng Tài chính kế toán Vetranco; Nguyễn Minh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Việt; Lương Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần thép Minh Quang và bốn người khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên tại VEAM.

Những bị can trước đó đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219, Bộ Luật Hình sự 2015.

Đó là các ông bà Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, cựu Tổng Giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công đều là cựu Phó Tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp; Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đại Nam.

Điều tra ban đầu cho hay bị can Trần Ngọc Hà giữ chức Chủ tịch VEAM 2015 - 2019 đã không thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ được giao; buông lỏng quản lý, quyết định những chiến lược của VEAM trái luật, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trước đó từ năm 2007 - 2013, Tổng Giám đốc VEAM qua các thời kỳ bị xác định 7 lần bảo lãnh cho Vetranco đi vay tiền tại các ngân hàng với tổng số tiền khoảng 193 tỷ đồng mà không có khả năng chi trả. Việc bảo lãnh này bị nói gây thiệt hại cho VEAM 208 tỷ đồng.

Các cựu lãnh đạo VEAM còn bị buộc phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh và hợp đồng khác có nhiều sai phạm, gây thất thoát 66 tỷ đồng; đầu tư phát triển một số sản phẩm trái luật gây thiệt hại 10 tỷ đồng.

VEAM vốn là Tổng Công ty Nhà nước và chuyển sang hình thức công ty mẹ - con vào năm 2010 với 25 công ty con và đơn vị thành viên.

Năm 2017, VEAM theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ gần 13.300 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm hơn 88%.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.