Dự án Nhổn-ga Hà Nội bị liên doanh nhà thầu Hàn Quốc và Ý đòi bồi thường gần 115 triệu đô la

RFA
2021.11.03
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Phối cảnh 3D của tuyến tàu điện ngầm số 3 ở Hà Nội - đoạn trên cao để tàu đi từ khu đề pô Nhổn ra ga Nhổn.
Courtesy of UBND thành phố Hà Nội/ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội

Một liên doanh giữa nhà thầu Hyundai Engineering and Construction (Huyndai E&C) của Hàn Quốc và hãng xây dựng cơ sở hạ tầng Ý- Ghella đã đòi thành phố Hà Nội bồi thường 114,7 triệu USD vì sự chậm trễ trong việc hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Tờ Nikkei Asia loan tin trên trong ngày 2/11, đồng thời cho biết liên doanh nhà thầu Hàn Quốc, Ý dự sẽ đưa sự việc ra trọng tài quốc tế nếu khoản thanh toán gần 115 triệu đô la không được phía Việt Nam thực hiện.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội với nhà thầu chính là Ghella nhằm xây dựng một phần tuyến tàu điện ngầm số 3, dài 12,5km nối ga Hà Nội với Nhổn.

Nikkei Asia dẫn lại tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam rằng, theo kế hoạch, dự án dự kiến được hoàn thành vào năm 2018, nhưng sau đó đã bị hoãn đến tháng 12/2022. Nguyên nhân được phía Hà Nội đưa ra là do chậm trễ trong công tác giải toả, thu hồi đất.

Từ tháng 6, liên doanh của Hyundai E&C đã tạm dừng công việc và họ cho biết đang xem xét đưa đơn kiện ra trọng tài quốc tế nếu thiệt hại không được thanh toán.

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết đang đàm phán với các nhà thầu để xác định con số thiệt hại chính xác.

Sự việc tương tự đã từng xảy ra vào năm 2020 khi công ty Daelim Industrial của Hàn Quốc, đơn vị ký hợp đồng xây dựng đoạn trên cao của tuyến đường đô thị số 3, cũng đòi bồi thường thiệt hại khoảng 19 triệu USD do công việc bị trì hoãn trong hai năm.

Daelim, cuối cùng, đã đồng ý mức thanh toán 6,6 triệu đô la từ Ban quản lý đường sắt đô thị.

Việt Nam có ba dự án đường sắt metro đang triển khai gồm Cát Linh-Hà Đông; Nhổn-Ga Hà Nội và Bến Thành-Suối Tiên (tuyến số 1 thuộc dự án đường sắt đô thị TPHCM). Tất cả các dự án đều bị chậm tiến độ.

Nikkei Asia viết rằng việc thanh toán chậm cho các nhà thầu đã trở thành kinh niên.

Ngoài tuyến Hà Nội-Nhổn bị chậm trễ, thì phải kể đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Dự án này bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần và đội vốn thêm hơn 300 triệu đô la. Lỗi một phần được cho là do nhà thầu Trung Quốc không cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.