Mỹ công bố báo cáo bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
2022.01.13
Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/1 đã công bố báo cáo mới bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bao gồm cả đòi hỏi về vùng nước lịch sử mà Bắc Kinh vẫn áp dụng đối với đường đứt khúc chín đoạn chiếm đến gần 90% diện tích Biển Đông.
Báo cáo có tên gọi “Limits of the Seas”, tạm dịch là “Các giới hạn trên biển” dài 47 trang bao gồm cả bản tóm tắt bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.
Báo cáo xem xét bốn loại yêu sách hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc bao gồm yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển, đường cơ sở thẳng, các vùng biển và các quyền lịch sử.
Về yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển, Trung Quốc hiện có yêu sách chủ quyền đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông bao gồm cả những thực thể chìm dưới mặt biển và năm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào.
Báo cáo kết luận: “Những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các thực thể chìm không phải là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc không có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải.”
Về đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với bốn nhóm đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, báo cáo kết luận không có nhóm đảo nào trong số này đáp ứng các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).
Liên quan đến các vùng biển được quy định trong UNCLOS bao gồm vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, báo cáo kết luận các yêu sách của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế ,và “Trong các vùng biển có yêu sách chủ quyền của mình, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Điểm đáng chú ý là chủ quyền lịch sử mà Bắc Kinh vẫn áp dụng lâu nay ở Biển Đông cũng được báo cáo xác định là không có cơ sở pháp lý và hết sức mù mờ vì Bắc Kinh không thể đưa ra được diễn giải cụ thể về bản chất các quyền lịch sử.
Mặc dù không phải là một bên tham gia tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động lấn lướt của Trung Quốc ở vùng nước này. Washington cũng nhiều lần tuyên bố không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
Hồi năm 2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần đầu tiên chính thức tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuyên bố dài của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: "Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng giống như chiến dịch hăm dọa của họ nhằm kiểm soát tài nguyên.”
Trong báo cáo mới, Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS đối với các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và tuân thủ phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế đưa ra hồi năm 2016, bác bỏ tính hợp lệ về đường đứt khúc chín đoạn của Trung Quốc và một số vấn đề khác liên quan ở Biển Đông.