Câu chuyện về hai bị cáo: Một người được trả tự do, một người vẫn đang bị xét xử
2019.03.24
“Nhiều người trong chúng tôi thất vọng. Chúng tôi cảm thấy rằng chính phủ đã làm rất ít hoặc không có gì để giúp cô Hương. Chúng tôi cảm thấy rất tiếc cho cô ấy,” một người Việt làm việc chuyên nghiệp tại Kuala Lumpur nói với Benar News.
Khi công dân Indonesia Siti Aisyah bị đem ra tòa án Sepang 2 năm về trước vì bị cáo buộc giết ông Kim Jong Nam - một người dân Bắc Hàn, có 4 luật sư người Mã Lai sát cánh cùng với cô ấy, được chỉ định bởi đại sứ quán Indonesia.
Các nhà ngoại giao cao cấp của Indonesia có mặt tại tòa án và trả lời phỏng vấn cởi mở với báo chí.
Ngay từ đầu, Aisyah đã được chính phủ Indonesia trông chừng.
“Tôi đã được chỉ định đại diện cho cô Siti từ ngày đầu tiên,” luật sư Gooi Soon Seng nói với BenarNes, một cơ quan truyền thông trực thuộc RFA.
Ở một chiều ngược lại, đồng phạm người Việt Nam Đoàn Thị Hương xuất hiện một cách đơn độc. Một luật sư Malaysia tình nguyện đại diện cho cô ấy.
Phải gần 2 tháng sau, Đoàn luật sư Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ mới trả tiền cho một nhóm luật sư bảo vệ cho cô Đoàn Thị Hương.
Chính phủ Việt Nam đã không tham gia vào việc mang đến tư vấn pháp lý cho cô ấy và phần lớn vẫn giữ im lặng khi vụ xử án vẫn đang tiến hành.
Trong khi đó, sự công khai xung quanh Aisyah biến cô ấy trở nên nổi tiếng ở đất nước của mình, nơi mà các bộ phận công chúng tin vào lời bào chữa, rằng cô ấy là một con tốt trong vụ giết người anh cùng cha khác mẹ bất hòa của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un.
Cả Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương đều bị buộc tội ám sát Kim Jong Nam bằng cách tiếp cận và bôi vào mặt ông ta chất độc thần kinh VX, một vũ khí hóa học chết người đã bị cấm, ở ga tới của phi trường quốc tế số 2 Kuala Lumpur vào hôm 13/2/2017.
Cả 2 bị cáo đều tuyên bố họ tin rằng họ là một phần trong một trò chơi khăm của show truyền hình thực tế.
Khi các công tố viên bất ngờ rút lại cáo trạng chống lại Aisyah và trả tự do cho cô ấy hôm 11/3, chính phủ Indonesia đã mô tả sự tự do của công dân nước này như là một đỉnh cao của nỗ lực ngoại giao lâu dài của tổng thống Joko “Jokowi” Widodo, người thậm chí đã thảo luận về trường hợp này với Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong suốt chuyến thăm của ông ấy đến Bogor vào tháng 6/2018.
Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas không cung cấp lý do về việc trả tự do cho Aisyah, nhưng ông ấy nói với quan chức cấp cao của Indonesia rằng, quyết định của ông “trong vấn đề này đã tính đến mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước chúng ta”.
Một ngày sau đó, Thủ tướng Malaysia bị các phóng viên đặt câu hỏi về việc liệu rằng có hay không các cuộc đàm phán đã giúp cô Aisya được trả tự do, ông Mahathir từ chối và nói: “Tôi không có thông tin đó”.
Du thuyền và những công dân Malaysia bị bắt giữ hồi hương
Vào tháng 8/2018, Chính phủ Indonesia đã trả lại cho chính quyền Malaysia một chiếc du thuyền trị giá 250 triệu Mỹ Kim liên quan đến bê bối tham nhũng của quỹ đầu tư 1MDB.
Chiếc du thuyền mang tên Equanimity bị tịch thu bởi Indonesia ở đảo Bali vào đầu năm 2018 theo yêu cầu của cơ quan hữu trách Mỹ như một phần của cuộc điều tra tham nhũng hàng tỷ Mỹ kim liên quan đến quỹ đầu tư 1MDB. Chính phủ Malaysia đã cố bán nó để thu lại các khoản lỗ liên quan đến 1MDB.
Một ngày trước khi Aisyah được tự do, 16 công dân Mã Lai được phía Indonesia trả tự do, những người này bị bắt giữ hai tháng trước đó vì vi phạm thị thực di lịch bằng cách thực hiện các hoạt động thương mại ở đảo Sumatra.
Luật sư của Aisya nói ra các lý do của việc hủy bỏ cáo trạng chống lại cô này.