Thái Lan sẽ điều tra vụ mất tích blogger Trương Duy Nhất

RFA 2-07-2019
tdn Nhà báo Trương Duy Nhất tại phiên xử vào năm 2014.
AFP

Thái Lan sẽ điều tra về vụ mất tích nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất, sau khi các tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng có thể ông này bị bắt cóc từ thủ đô Bangkok, nơi ông đến tìm qui chế tỵ nạn với Liên Hiệp Quốc.

Reuters loan tin ngày 7 tháng 2 dẫn phát biểu của một viên chức di trú cấp cao của Thái Lan, Ông Surachate Hakparn. Theo lời ông này thì không có hồ sơ chính thức về việc ông Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Xứ Thái; nhưng Cơ quan Di trú nơi ông này làm việc có xem xét khả năng ông Nhất có nhập cư Thái Lan một cách trái phép hay không, cũng như điều gì có thể đã xảy ra đối với ông này.

Ông Surachate Hakparn nói với Reuters rằng ông đã có lệnh điều tra vụ việc này.

Reuter dẫn nguồn của tổ chức Ân Xá Quốc Tế rằng một số nguồn tin rằng Ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Bangkok vào khoảng ngày 26 tháng 1 sau khi trốn khỏi Việt Nam vì sợ bị bắt. Ông đã đến nộp đơn xin tỵ nạn tại Cơ quan Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.

Sau khi Đài Á Châu Tự Do vào ngày 5 tháng 2 ra thông cáo về trường hợp blogger Trương Duy Nhất mất tích, các tổ chức theo dõi nhân quyền kêu gọi Thái Lan tiến hành điều tra.

Những tổ chức này nêu rằng Ông Trương Duy Nhất phải trốn chạy sang Thái Lan sau khi có bắn tiếng là ông đang có nguy cơ bị bắt lại sau lần bị bắt vào năm 2013 và sau đó bị tòa tuyên 2 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Reuters cho rằng vụ mất tích cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do, ông Trương Duy Nhất, xảy ra sau khi có chỉ trích về việc Thái Lan vào tháng giêng vừa qua bắt giữ một người Saudi tìm qui chế tỵ nạn và việc bắt giữ một cầu thủ bóng đá người Bahrain đã có qui chế tỵ nạn ở Úc. Cầu thủ này đang tranh đấu để không bị trục xuất về Bahrain.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.