Trận động đất lớn nhất từ đầu năm tại Việt Nam

RFA
2020.06.16
Thumbnail.00_03_11_02.Still003 Vị trí xảy ra trận động đất.
Courtesy of Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam thông báo vào ngày 16/6 xảy ra một trận động đất lớn nhất từ đầu năm đến nay tại Việt Nam. Trận động đất đo được 4,9 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng hơn 12 km.

Theo thông báo của Viện Vật lý Địa cầu, động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận. Tính từ đầu năm 2020, đây là trận động đất có cường độ lớn nhất ghi nhận được tại Việt Nam.

Đại diện Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần Việt Nam cho báo chí biết, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.

Tại những khu vực này từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo vào năm 1983 và trận động đất 5,3 độ richter tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần khuyến cáo người dân khu vực này đề phòng các trận động đất có thể tiếp tục xảy ra nên việc xây dựng các công trình cần đáp ứng đúng yêu cầu của Viện Vật lý Địa cầu.

Trong cùng ngày, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thảm họa và sơ cấp cứu của Hội Chữ Thấp đỏ Việt Nam” (CTD) diễn ra tại Đà Nẵng.

Được biết, dự án này do Hội CTD Trung Quốc hỗ trợ từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020 với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng và dự án triển khai ở sáu xã, thuộc các huyện của TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng và Thanh Hóa.

Ngoài hoạt động tăng cường nhận thức và kỹ năng của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, dự án còn thực hiện tăng cường các lực lượng ứng phó thiên tai, sơ cấp cứu và cộng đồng dễ bị tổn thương.

Tin nói dự án đã hỗ trợ cho các địa phương nhiều phương tiện, dụng cụ như: Loa kéo, áo phao, phao cứu hộ, đèn pin xạc, túi sơ cấp cứu, mũ bảo hộ lao động, kính bảo hộ lao động, ủng đi mưa, xà beng, xà cầy, búa tạ... để giúp cho đội ứng phó cộng đồng có các công cụ khi ứng phó khẩn cấp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.