Anh và Canada lên tiếng về việc bắt giữ các nhà báo độc lập tại Việt Nam

RFA
2020.11.20
   ttt Hình minh hoạ. Nhà báo Phạm Đoan Trang, người vừa bị chính quyền Việt Nam bắt giữ hôm 6/10/2020 với cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước
FB Phạm Đoan Trang

Vương Quốc Anh và Canada đã lên tiếng với phía Việt Nam về việc bắt giữ một số nhà báo độc lập tại Việt Nam ‘nhằm hạn chế tự do ngôn luận’.

Việc lên tiếng như vừa nêu được đưa ra hôm 16 tháng 11 và những trường hợp được nêu tên là những thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và cô Phạm Đoan Trang.

Theo thông cáo của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, hai nước Anh và Canada kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo đảm mọi hành động và luật pháp của Việt Nam phải nhất quán với những nghĩa vụ và cam kết quốc tế mà Hà Nội đã ký kết. Một nền báo chí độc lập là rất cần thiết để vận hành tốt xã hội cũng như là nền tảng cho sự phồn thịnh về kinh tế và phát triển xã hội.

Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam Phạm Chí Dũng bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm ngoái. Phó chủ tịch Hội là ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt vào ngày 23 tháng 5 năm nay. Một tháng sau đó anh Nguyễn Hữu Minh Tuấn, biên tập viên của tờ Thời báo Việt nam của Hội, bị bắt.

Vào ngày 10 tháng 11 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tống đạt cáo trạng truy tố 3 người vừa nêu theo Khoản 2, Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam với tội danh ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’.

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị bắt vào ngày 6 tháng 10, ngay sau cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ, với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế và một số nước gồm Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu… đều lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với Việt Nam về việc bắt giữ các nhà báo độc lập vừa nêu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.