Hàng ngàn người Trung Quốc kẹt lại tại Việt Nam, Bộ Công thương muốn thống kê lao động Trung Quốc


2020.02.03
000_1ON79Z_960.jpeg Hình minh họa. Hình chụp hôm 2/2/2020: hành khách đeo khẩu trang ở sân bay Nội Bài, Hà Nội.
AFP

Giới chức Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng hàng ngàn người Trung Quốc còn kẹt lại và muốn về nước, trong khi hàng ngàn người Trung Quốc khác có thể quay lại Việt Nam làm việc sau Tết.

Hôm 2/2, truyền thông trong nước đưa tin cho biết hiện còn khoảng 5.300 người Trung Quốc bị kẹt lại tại Khánh Hòa và muốn trở về nước, trong khi các hãng hàng không đã phải ngừng các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc theo chỉ thị của Thủ tướng để phòng tránh dịch bệnh viêm phổi cấp lây lan.

Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho báo chí biết, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghi xem xét chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan có phương án để đưa công dân Trung Quốc về nước.

Trong số người Trung Quốc bị kẹt lại tại Khánh Hòa có khoảng 500 người là các nhà đầu tư, lao động. Số còn lại là khách du lịch.

Trong khi đó, vào sáng ngày 3/2, phía Việt Nam đã tiếp nhận 32 người Việt Nam do Trung Quốc trao trả tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Đây là những người đã nhập cảnh vào Trung Quốc để lao động trái phép. Tất cả những người này được kiểm tra thân nhiệt và cách ly để theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Công thương hôm 2/2 đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo Sở Công thương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê số lượng lao động, chuyên gia Trung Quốc làm việc trên địa bàn đã về quê nghỉ tết và chưa trở lại làm việc.

Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành báo cáo số thống kê này trong ngày 3/2, đồng thời xem xét việc đề nghị các chủ dự án cho các lao động, chuyên gia tiếp tục kéo dài ngày nghỉ lễ đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế vào ngày 3/2, hiện Việt Nam đã phát hiện 8 ca nhiễm virus corona gây viêm phổi cấp, bao gồm khách du lịch Trung Quốc và người Việt Nam về từ Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.