Báo cáo nhân quyền thường niên của LHQ đề cập việc bắt giữ chuyên gia năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên

2024.10.25
Báo cáo nhân quyền thường niên của LHQ đề cập việc bắt giữ chuyên gia năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên Bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành VIETSE
VIETSE

Báo cáo viên đặc biệt về người bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp quốc (LHQ), bà Mary Lawlor, đã đề cập việc Việt Nam bắt giữ chuyên gia năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên trong khi quốc gia này đang thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Trong báo cáo “Những đóng góp của những người bảo vệ nhân quyền trong việc đạt được SDGs” được trình bày tại phiên họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ tháng trước và được công bố tuần này, bà Mary Lawlor đã tuyên dương vai trò quan trọng của những người bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong nỗ lực đạt được SDGs.

Bà Nhiên bị bắt giữ ngày 15/9/2023 khi đang là Giám đốc điều hành của Sáng kiến Doanh nghiệp Xã hội Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn năng lượng độc lập duy nhất hoạt động trong nước với sứ mệnh “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam hướng tới một xã hội trung hòa carbon.”

Theo Dự án 88, bà bị kết án ba năm sáu tháng về tội danh “chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” trong một phiên toà vào cuối tháng 6 năm nay nhưng phiên toà không được công bố.

Nhắc lại công việc chuyên môn của bà Nhiên với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng xanh, bao gồm 10 năm làm cố vấn cho Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Liên minh Châu Âu, báo cáo nói bà là “một trong sáu nhân vật có ảnh hưởng làm việc về biến đổi khí hậu, tất cả đều ủng hộ việc phi carbon hóa ngành năng lượng của Việt Nam, đã bị bắt giữ kể từ năm 2021” và khẳng định bà “là một người hoạt động nhân quyền.”

Báo cáo nói rằng việc đạt được SDGs là một “cam kết chung” liên quan đến “sự tham gia của tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả xã hội dân sự.” Tuy nhiên, tại các quốc gia có không gian hạn chế cho xã hội dân sự, cam kết chung này không có và thay vào đó các bên liên quan có chuyên môn trợ giúp các quốc gia thúc đẩy SDGs lại bị buộc phải câm lặng.

Báo cáo của bà Mary Lawlor cũng nói Việt Nam là một trong 16 quốc gia trên thế giới có nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bị cầm tù hơn 10 năm.

Bình luận về việc Hà Nội bỏ tù bà Nhiên cùng năm nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Nguỵ Thị Khanh, Bạch Hồng Dương, Mai Phan Lợi, và Hoàng Thị Minh Hồng trong bốn năm qua, nhà báo Nam Việt nói trong tin nhắn gửi RFA:

“Việc giam giữ Ngô Thị Tố Nhiên và những người hoạt động nhân quyền khác là sự thật trần trụi sau những tuyên bố đẹp đẽ và sáo rỗng của ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam.

Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam qua nhiều đời luôn nói về sự phát triển và hội nhập thế giới, ưu tiên con người... với những ngôn từ hoa mỹ nhưng đối xử tàn bạo với những người dân trong nước, những người hoạt động môi trường, nhân quyền, và dân chủ.

Điều đó cho thấy mọi ước mơ tốt đẹp mà họ nói với cộng đồng quốc tế chỉ là cách giới thiệu ước mơ riêng của chính họ và đảng cầm quyền, chứ không hề liên quan gì đến người dân.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
26/10/2024 07:45

Toàn dân Việt Nam ta, dân bình thường, còn bình thường, ai ai cũng đã biết,
Việt Cộng " lãnh đạo ", bá đạo, bá vương, bá quyền, độc quyền nói càng hay,
độc quyền làm càng láo, nói láo càng hay, càng láo, càng hay, hay như " cụ Hồ ".