Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển của LHQ thăm Việt Nam lần đầu tiên
Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ), ông Surya Deva, sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong các ngày 06-15/11 tới đây, theo thông tin từ Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ.
Đây là chuyến thăm quốc gia thứ tư trên thế giới của Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển và là chuyến thăm đầu tiên ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi cơ chế nhân quyền này được thiết lập năm 2017.
Mục tiêu của chuyến đi này là hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề thúc đẩy quyền phát triển ở Việt Nam và xác định những thách thức hiện có nhằm đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và thúc đẩy hiện thực hóa quyền phát triển.
Trong chuyến thăm, ông Surya Deva dự kiến tập trung vào tám chuyên đề, trong đó có Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyền được phát triển của những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương hoặc bị gạt ra ngoài lề xã hội như trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người di cư, người khuyết tật và người dân bản địa; và Sự tham gia của mọi người vào quá trình ra quyết định.
Nói về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của ông Surya Dev, ông Josef Benedic, chuyên gia vận động cho không gian dân sự khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS), phát biểu về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là các nhóm độc lập:
“CIVICUS tin rằng sự phát triển bền vững không thể được giải quyết một cách thực tế nếu không có nhân quyền và sự tham gia của xã hội dân sự. Trên khắp thế giới, chúng tôi đã ghi lại vai trò quan trọng của xã hội dân sự trong việc nêu bật các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển, cung cấp thông tin và huy động cộng đồng tham gia với chính phủ và doanh nghiệp.”
Trong báo cáo công bố ngày 05/10, CIVICUS nói rằng một năm sau khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ), Việt Nam không những không cải thiện mà còn làm trầm trọng thêm hồ sơ nhân quyền vốn tồi tệ của mình.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi) đánh giá hiện trạng không gian dân sự ở Việt Nam vẫn là “đóng” với những lo ngại về các nỗ lực của nhà nước nhằm bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo và blogger.
Từ năm 2021, đã có sáu lãnh đạo xã hội dân sự có đăng ký và là những người hoạt động về môi trường Nguỵ Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương, và Hoàng Thị Minh Hồng bị kết án tội “trốn thuế” trong khi bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước.”
Trước đó, nhiều nhà hoạt động bị bắt giữ và cầm tù với những bản án nhiều năm vì lên tiếng phản đối việc Công ty thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải và gây ra thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016. Trong số này có thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, nhà hoạt động công đoàn Hoàng Đức Bình, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng…
“Ở Việt Nam, không gian dân sự được CIVICUS Monitor đánh giá là ‘đóng’ và nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà báo đang phải ngồi tù hoặc bị quấy rối có hệ thống khi lên tiếng về các vấn đề phát triển, trong đó có vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường cũng như tình hình của người sắc tộc thiểu số. Một số ví dụ bao gồm việc bỏ tù nhiều nhà hoạt động môi trường vì cáo buộc trốn thuế và những người vận động chống lại việc xả thải của Formosa,” ông Josef Benedict nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 18/6.
Ông kêu gọi Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển Surya Deva trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới “bảo đảm ông gặp gỡ với nhà báo và xã hội dân sự độc lập trong chuyến thăm này, đặt ra câu hỏi với Chính phủ về việc nhiều nhà bảo vệ nhân quyền đang làm việc về các vấn đề phát triển đã bị bỏ tù và đảm bảo rằng báo cáo của ông nắm bắt được những vấn đề tình trạng nghiêm trọng về quyền tự do dân sự ở quốc gia này.”
Trước chuyến thăm của mình tới Việt Nam, ông Surya Deva kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự gửi báo cáo về tình hình ở Việt Nam và khuyến cáo cho ông trong quá trình làm việc với đại diện chính phủ và các bên liên quan ở quốc gia này.
Chính phủ Việt Nam từ chối phần lớn các đề nghị viếng thăm đất nước của các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc (LHQ), đặc biệt là những chuyên gia về những lĩnh vực nhạy cảm như Báo cáo viên đặc biệt về Người bảo vệ nhân quyền, Nhóm công tác về bắt giữ tùy tiện Báo cáo viên đặc biệt về Người bản địa và Báo cáo viên đặc biệt về Buôn người.
Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có bảy trong số họ đến được đất nước độc đảng ở Đông Nam Á để tìm hiểu thực tế về lĩnh vực mình phụ trách.
Trong số bảy báo cáo viên đặc biệt đã đến đất nước Đông Nam Á này trong hơn một thập niên qua, hầu hết là những người phụ trách những lĩnh vực ít nhạy cảm như vấn đề Nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực,...
Báo cáo viên đặc biệt là cơ chế đặc biệt về nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Khi họ đến thăm một quốc gia, họ thu hút sự chú ý đến các vi phạm nhân quyền, các trường hợp cá nhân, các vấn đề về luật pháp và chính sách. Họ cũng đưa ra khuyến nghị về những gì chính phủ và các chủ thể khác có thể làm để cải thiện tình hình.
Một chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt là cơ hội để LHQ đưa ra báo cáo về lĩnh vực họ phụ trách với các khuyến nghị cho chính phủ của quốc gia mà họ thăm viếng nếu đó là chuyến thăm chính thức, cho nạn nhân được lên tiếng và gặp trực tiếp với đại diện của LHQ, nâng cao nhận thức về vấn đề nhân quyền ở cấp độ quốc tế.