Báo cáo viên đặc biệt LHQ gửi đơn đến tòa án Thái Lan liên quan đến vụ xử ông Y Quynh Bdap
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong khi chống khủng bố đã gửi một lá đơn đến Chánh án Tòa án Hình sự và Tòa án Tối cao Thái Lan về trường hợp của ông Y Quynh Bdap.
Lá đơn amicus curiae (người bạn của tòa án - PV) được giáo sư Ben Saul gửi đi hôm 12/8 và mới được Liên hiệp quốc công khai vào ngày 27/8.
Theo Tòa án quận Columbia (Hoa Kỳ), người bạn của tòa án được định nghĩa là một người không phải là bên trong một vụ án tự nguyện cung cấp thông tin về một vấn đề pháp luật hoặc một khía cạnh nào đó của vụ án để giúp tòa án quyết định vấn đề trước khi nó xảy ra.
Lá đơn này giải quyết ba vấn đề pháp lý: thứ nhất: định nghĩa về "hành vi khủng bố" theo luật pháp quốc tế; thứ hai: việc chỉ định các tổ chức là "khủng bố" theo luật pháp quốc tế; và cuối cùng phạm vi của nguyên tắc "không đẩy trả" theo luật pháp quốc tế, bao gồm liên quan đến các hành vi khủng bố.
Trong đơn, báo cáo viên độc lập của Liên hiệp quốc không đề cập đến các dữ kiện liên quan đến ông Y Quynh Bdap do ông Saul đã trao đổi riêng với các nhà chức trách của Việt Nam và Thái Lan vào tháng 4 và tháng 6 năm nay.
Nhà hoạt động nhân quyền người Thượng Y Quynh B Dap, người sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam và đang bị tòa án xét xử.
Tổ chức phi chính phủ chuyên báo cáo tình hình nhân quyền của người sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên của ông bị Bộ Công an Việt Nam liệt vào danh sách khủng bố sau sự kiện ngày 11/6/2023 ở Đắk Lắk, riêng ông bị tòa án xử vắng mặt 10 năm tù về hành vi "khủng bố" dù đã xin tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018 và phủ nhận việc có liên quan đến sự kiện trên.
Trong lá đơn của Báo cáo viên đặc biệt cho rằng, các tổ chức cũng không được liệt kê là khủng bố vì có các bài phát biểu hoặc hoạt động bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả việc vận động tại Liên hợp quốc.
Các nghị quyết khác nhau của Hội đồng Nhân quyền tái khẳng định quyền của mọi người, cá nhân hoặc liên kết với những người khác, được tiếp cận và giao tiếp không bị cản trở với các cơ quan quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, các đại diện và cơ chế của Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân quyền; và các nghị quyết kêu gọi các quốc gia kiềm chế mọi hành vi đe dọa hoặc trả thù và thực hiện mọi biện pháp thích hợp để ngăn chặn các hành vi như vậy xảy ra.
Ngoài ra, nguyên tắc không đẩy trả nghiêm cấm việc trả lại một người cho một quốc gia khác khi có lý do chính đáng để tin rằng họ sẽ có nguy cơ bị tổn hại cụ thể ở đó.
Mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ đối với việc không trục xuất theo luật tị nạn, nhưng theo luật nhân quyền quốc tế, việc không trục xuất là tuyệt đối và không cho phép có ngoại lệ, theo đơn người bạn của tòa án nêu.